Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2007

B23 - ƠN SÂU NGHĨA NẶNG

Hồi ký của Phạm Quốc Bảo thuộc đơn vị trung đoàn 22 Sư 3 Sao Vàng

Bệnh xá B23 nằm trong khu rừng già bên sườn núi Ông cao vòi vọi thuộc xã Trà Tân, huyện Trà Bồng - căn cứ địa cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, Bệnh xá được thành lập chủ yếu phục vụ các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh. 

Một bệnh viện dã chiến trong thời chống Mỹ. Ảnh minh hoạ
Bệnh xá gồm hai khu, khu thương bệnh binh và khu cán bộ nhân viên. Khu thương bệnh binh gồm 5 ngôi nhà (lán) làm bằng cây và lá rừng mộc mạc. Nằm ở trung tâm dưới tán lá rừng là một ngôi nhà nhỏ khang trang, rộng chừng 15-20m2 có một cửa ra vào được dùng làm phòng mổ, trần và xung quanh được căng bằng những tấm ni-lông. Giữa phòng là một bàn mổ làm bằng những cây rừng ghép lại được trải ni-lông phẳng phiu. 
Nằm dọc theo vạt đồi, dưới rừng cây là một ngôi nhà dài nhất có 5 cửa ra vào, hai cửa đầu hồi, một cửa nhìn sang phòng mổ, còn cửa kia nhìn dọc theo con đường nhỏ đi ra suối lớn, 3 cửa chính của ngôi nhà nhìn ra khoảng trống hướng xuống phía đồng bằng xa xa. Sau lưng nhà là sườn dốc nhìn xuống khu cán bộ nhân viên.
Trong nhà kê một dãy sạp dọc theo chiều dài ngôi nhà, tạo thành 15 cái giường nằm ngang, được ghép bằng những cây rừng, buộc bằng những sợi dây mây chắc chắn. Mỗi giường cách nhau 35-40cm, phía dưới mỗi giường là một hố tăng-xê hình chữ nhật nằm dọc theo chiều dài của giường để tránh bom đạn. Một lối đi phía cuối giường dọc ngôi nhà như một hành lang dành cho y bác sĩ, hộ lý đi lại chăm sóc thương bệnh binh được thuận lợi.
Đối diện ngôi nhà dài là hai ngôi nhà nhỏ hơn nằm kề nhau, lợp bằng cỏ tranh, phủ kín từ nóc xuống mặt đất, trong nhà không có giường sạp, chỉ có những cây gỗ buộc ngang để mắc võng cho những anh em thương bệnh binh nhẹ. Nhà chỉ có một cửa ra vào ở đầu hồi. Giữa ba ngôi nhà là một khoảnh sân, có vài ba bộ bàn ghế dã chiến làm bằng những cây gỗ đơn sơ ghép lại, ghế băng cũng được ghép bằng hai cây gỗ. Bàn ghế dùng làm bàn ăn và là nơi anh em thương bệnh binh ngồi sưởi nắng trong những ngày đông giá và giao lưu chuyện trò, hát hò, tán gẫu, chơi tú-lơ-khơ…
Phía cuối mé đồi gần cổng ra vào bệnh xá là một lán nhỏ dành cho những thương bệnh binh đặc biệt, được chăm sóc riêng.
Khu cán bộ nhân viên, nhà kho, nhà bếp nằm ở thung lũng nhỏ phía sau ngôi nhà dài, có suối nước róc rách chảy qua suốt ngày đêm. Ở đây có những cây cổ thụ to hai ba người mới ôm xuể, có những con tắc kè và những con sóc có màng ở hai bên sườn, khi xòe ra trông như hai cánh có thể bay là là, chuyền từ cây cao này sang cây thấp khác. Đôi khi cũng nghe thấy tiếng vượn hú xa xa. Phong cảnh thật nên thơ.
Sau mỗi chiến dịch và những trận đánh lớn, thương binh được chuyển về nhiều hơn, người bị thương ở chân, ở tay, người bị thương sọ não, mặt, ngực, bụng, lưng, có người bị bom, mìn na-pan cháy bỏng toàn thân…, đủ các kiểu bị thương và các loại vết thương. Thương bệnh binh ở khắp các đơn vị trong tỉnh được chuyển về đây. Từ bộ đội chủ lực (bộ binh, đặc công, pháo binh, công binh…), bộ đội địa phương, đến các lực lượng an ninh, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, kể cả dân thường… Lúc đông có khi lên tới 40-45, lúc vắng cũng 20-25 người.
Cán bộ nhân viên ít, công việc nhiều. Lúc đó chỉ có một bác sĩ Lê Minh Châu, Bệnh xá trưởng, người nhỏ nhắn, gầy, đen, nhanh nhẹn, tháo vát, tận tụy. Ông đã từng tập kết ra Bắc trở về. Chuyên môn rất thạo. Thỉnh thoảng ông trao đổi và bàn luận với anh chị em y sĩ, y tá, có cả anh em thương binh ngồi nghe về hướng xử lý những ca thương hiểm hóc. 
Có trường hợp mảnh đạn găm dưới sống lưng, hoặc có vết thương oái oăm đạn xuyên qua xương chậu thủng đại tràng, phân rỉ qua vết thương ra ngoài như trường hợp Phạm Văn Hinh, người Thái Bình. Không có máy X quang để chiếu chụp, bác sĩ phải phán đoán, mày mò tìm mảnh đạn. Dụng cụ mổ xẻ cũng không đủ, có lúc phải dùng cả cái đục gỗ để đục xương lấy mảnh đạn ra. 
Giúp việc cho bác sĩ Châu cũng chỉ có 4 người là y sĩ Lễ và ba nữ y tá Thế, Hoa và Phương. Ngoài ra có một số nữ hộ lý là các chị Hiệp, Đính, Đông… tuổi 19 đôi mươi, ở đồng bằng “nhảy núi” đi theo giải phóng. Họ làm việc tận tụy, miệt mài, vô tư, bưng cơm rót nước ngày 3 bữa sáng, trưa, tối cho anh em thương bệnh binh; giặt giũ quần áo, bón cơm, bón cháo cho những thương bệnh binh nặng. Buổi tối, trước khi đi ngủ, họ đi kiểm tra từng giường bệnh, mắc màn cho anh em rồi mang đến đặt ở cuối mỗi giường một ống lồ ô để anh em đi tiểu đêm, sáng ra lại mang đi đổ.
Những anh em bị thương nặng không đi lại được, phải sinh hoạt tại chỗ, các chị đan những cái vỉ bằng nứa hình tam giác trông như cái vỉ ruồi to, lót lá rừng cho thương bệnh binh đi cầu, xong lại bê đi đổ.
Chị Chánh là Bí thư chi bộ, Phó trưởng Bệnh xá, người đậm, thấp, hiền lành, phụ trách công tác nội bộ, hậu cần, thường xuyên thăm hỏi, động viên thương bệnh binh yên tâm chữa bệnh để chóng bình phục trở về đơn vị công tác. Những lúc công việc nhiều, chị cũng tham gia thay băng cho thương binh, không nề hà công việc gì. 
Do điều kiện khó khăn, thuốc men hiếm hoi nên thương binh hàng ngày chỉ thay băng, rửa vết thương là chủ yếu, trừ những trường hợp đặc biệt mới có ít thuốc chữa trị. Ngay cả băng, gạc cũng không đủ nên phải tái sử dụng băng gạc cũ. Sau mỗi lần thay băng, y tá, hộ lý lại mang những sọt băng gạc dính đầy máu mủ, hôi thối ra suối giặt giũ rồi mang về ngâm tẩy nước sát trùng, luộc trong nước sôi, rồi hấp, sấy để sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần.
Bộ phận hậu cần gồm một số nhân viên tiếp phẩm, nấu ăn. Hàng ngày họ lên rừng lấy củi, ra bờ suối và nương rẫy cũ của đồng bào kiếm rau rừng: Rau tàu bay, môn thục, lá sắn (mì), măng… vào bản làng đổi bắp, khoai, sắn, lo từng bữa ăn cho hàng chục thương bệnh binh và cán bộ nhân viên. Khi có tử sĩ, họ lo mai táng, chôn cất chu đáo, làm bia mộ, vẽ sơ đồ mộ trí lưu lại để sau ngày giải phóng quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. 
Ngoài ra, họ xuống đồng bằng cõng gạo, thu mua các nhu yếu phẩm cần thiết về nuôi dưỡng thương bệnh binh. Có khi trên đường đi, gặp địch phục kích ở cửa khẩu, nơi giáp ranh với đồng bằng, anh em phải chiến đấu, hy sinh, đổ máu vì hạt gạo. 
Buổi sáng ngày 4/5/1969, máy bay trinh thám OV-10, L19 và trực thăng quần đảo trên vùng trời giáp ranh giữa Trà Bồng và Sơn Hà, đến gần trưa thì chỉ điểm cho máy bay ném bom, bắn pháo dữ dội vào Bệnh xá B23 và con đường giao liên huyết mạch dẫn lên núi. Cán bộ nhân viên B23 lại phải đội mưa bom bão đạn khiêng cáng, chuyển những thương binh nặng sơ tán khỏi B23 đến nơi an toàn.
Là một chiến sĩ của Trung đoàn 22 bộ binh, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, đơn vị tôi tham gia chiến dịch X-2 do Quân khu V và Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát động từ tháng 8 đến tháng 10/1968. Trong chiến đấu, tôi bị thương và ngày 5/10/1968 được những dân công người Kor, H’rê ở Sơn Hà và Trà Bồng cáng về Trạm phẫu của Trung đoàn rồi chuyển về B23. Sau thời gian điều trị ở đây, được sự chăm sóc tận tình của cán bộ nhân viên B23, đầu năm 1969 tôi ra viện và được chuyển về Trạm điều dưỡng T30 cũng nằm ở xã Trà Tân một thời gian rồi ra Bắc.
Nhớ lại những năm tháng chiến đấu vô cùng ác liệt ở chiến trường, khi bị thương được sự chăm sóc tận tình của y bác sĩ Bệnh xá B23, T30 và sự đùm bọc, che chở của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi giàu truyền thống cách mạng, tôi vô cùng cảm kích và biết ơn mãi mãi. Mong có dịp được gặp lại các cán bộ, nhân viên, các y bác sĩ, y tá, hộ lý Bệnh xá B23 và T30.
Phạm Quốc Bảo
(Địa chỉ liên lạc của tôi: Khu tập thể Văn phòng Quốc hội,
Số 27A, phố Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0982 667 224. Email: pqbaods@yahoo.com

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2007

CÒN LẠI MỘT MÌNH


CÒN LẠI MỘT MÌNH


Bắt gặp được em mắt đưa tình
Mà sao ? Anh vẫn cứ lặng thinh
Em buồn em lảng đi nơi khác
Để mặc cho anh đứng một mình

   Trường QLKT: 10/1978

BÓNG TÔI  ?


Có người bảo thế gian này thuộc về tôi
Nhưng bôn ba khắp bốn phương trời
Trong bao tiếng cười không thấy dáng tôi
*
Có người bảo niềm tươi vui mãi thuộc về anh !
Nhưng trong đám đông ồn ào
Tôi lại đánh rơi mình đâu mất ?
*
Có người bảo ánh mặt trời đang rọi vào tôi
Tôi tìm mãi, tìm mãi không thôi
Mà sao không thấy bóng mình trong đó !
Thế thì; Tôi ở đâu đây ?
Ai có thể cho tôi được biết !
Tôi ở đâu đây tôi ở đâu đây
Ai là người mách nước giùm tôi ?

                                                      
                                       Sưu tầm Hà Nội 8/1978

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

NHỮNG ƯỚC MƠ

Thơ: Những ước mơ - Ngô Chiến Lũy

(Tặng các em nhân ngày khai giảng năm học mới)
Không hiểu vì sao em hay mơ
Mỗi một cuộc đời một bài thơ
Đến những năm sau thành sự thật
Phải chăng rèn luyện tự bây giờ
*
Một đêm em mơ giữa núi đồi
Tay cầm cán cuốc bóng mồ hôi
Đất trắng đồi hoang không còn nữa
Những mùa cây trái lại đơm hoa
*
Một đêm em mơ giữa cánh đồng
Những mùa lúa chín nặng vàng bông
Bài ca năm tấn xưa mẹ hát
Nay đã hơn mười thỏa ước mong.
*
Một đêm em mơ thành người lính
Đội sao trên mũ lẫn sao trời
Súng thép ấm như lòng người mẹ
Giữ lấy đất trời, giữ biển khơi
*
Một đêm em mơ thành Bác sỹ
Khoác trên mình tấm áo trắng tinh
Vì nghĩa con người quên giấc ngủ
Vui với nghề "cải tử hoàn sinh"
*
Một đêm em mơ thành nhà giáo
Vui với đàn em dưới mái trường
Giấy trắng bảng đem - Đời thanh thản
Đưa những chuyến đò cập bến tương lai
*
Một đêm hồn em bay vào vũ trụ
Đặt chân mình trên vạn vì sao
Thấy bao điều lạ, bao kỳ thú
Ơi Trái đất ơi quá đỗi tự hào
*
Không hiểu vì sao em hay mơ
Mỗi một cuộc đời một bài thơ
Đến những năm sau thành sự thật
Phải chăng rèn luyện tự bây giờ !
Ngày 05 tháng 09 năm 2007

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

VỀ THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA


VỀ THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA
( Kính viếng linh hồn các liệt sỹ của tiểu đoàn 48 anh hùng)
  
“ Anh từng nói với em về Quảng Ngãi
Đất anh hùng sinh du kích Ba Tơ...”
Câu hát xưa còn mãi đến bây giờ
Người xa nhớ mong ngày về đất Quảng
Mảnh đất nghèo nuôi ta năm tháng
Che chở một thời đạn bom.
Những chốt điểm Gò Cao Ba Gia
Nơi cao điểm Núi tròn, Hòn Một
Lửa cháy chiến trường – bàn chân anh bước
Đạp lên xác thù có Giặc là đi
Vượt Dốc Đỏ đánh đồi bằng Bình Trị
Lấy sức trai thắng mọi hiểm nguy.

Anh trở về trên tay những người đồng chí
Bài hát ru anh – bài hát chiến trường
Vĩnh biệt anh người đồng đội yêu thương
Yên giấc ngủ ngàn thu nơi đất Quảng.

Hai mươi lăm năm một quãng đường dài
Người đi xa không quên Người ở lại
Hẹn ngày về thắp cho bạn nén nhang
Thăn chiến trường xưa cây cỏ ngút ngàn
Nấm mồ bạn chẳng còn nơi chốn cũ (*)
Trong yên lặng một Nghĩa trang hội tụ
Hương hồn Liệt sĩ vô danh.
Tôi tìm Anh ,tìm Anh trong hàng hàng bia mộ
Khe Khẽ hát lời ca Anh thường hát
“ Rầm rập như sóng, là hò ớ lơ,
Đoàn quân giải phóng là hò ớ lơ, hỡi lơ hò lơ ...”
Cứ tha thẩn tìm Anh trong Nghĩa trang Liệt sĩ
Để được tâm tư với bạn mình thương
Giữa chiến trường xưa, nay là những công trường
Anh nằm xuống cho đất trời khởi sắc
Khu công nghiệp tương lai, một thành phố Vạn Tường./.
Tháng 02 năm 1997
  Chú thích:    (*) Nơi cất gấu thi hài liệt sĩ trong vùng địch tạm chiếm thời ấy.          “....” Lời của bài hát: Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường, S.T. Trương Quang Lục.
   

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2007

TUYẾN LỘ TRÌNH

TUYẾN LỘ TRÌNH

Rừng núi âm u
Dòng suối khô cạn cả
Núi đồi lô nhô đá
Không dấu chân người qua
Tiếng chim hòa tiếng lá
Thành tiếng rừng hát ca.
*
Bâng khuâng nỗi nhớ nhà
Ước có dòng sông chảy
Ngồi trước ngọn lửa cháy
Chẳng còn nước nấu cơm
Hải trái cây rừng thơm
Ăn qua ngày đi tuyến ./
  Tháng 11 năm 1986






KHI TÌM RA MỎ
Cao Nguyên tháng 03/1981
Mùa đông qua, lại mùa xuân tới
Anh đi đâu kể thời gian
Mỗi bước chân anh vượt núi băng ngàn
Đều có mùa xuân và mầu xanh của đất.
*
*    *
Nhớ buổi chia tay anh vào nghề Địa chất
Em tựu trường là cô giáo tương lai
Lộ trình anh qua suốt chặng đường dài
Cuốn sổ em trao anh ghi tên quặng mới
Tên suối, tên sông, miền đồi anh tới
Anh tìm ra rồi – Điều mong đợi đã lâu
Ở nơi đây rất sâu ! có suối ngần đang chảy
Trăm ngả đổ về tạo thành dòng xoáy
Cuốn hút lòng anh cho cả mầu xanh
Trời Tây Nguyên gió bụi nắng hanh
Mà cứ ngỡ đang bơi giữa dòng sông chảy
Ký ước tuổi thơ ven bờ sông đáy
Cỡi trâu đằm tung bọt nước lên cao
Xa nhau giữ lời hứa hồi nào
Tìm ra mỏ - Tặng em dòng thủy trọng ./.

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2007

MÙA XUÂN GỢI NHỚ

 
GI NH
    Xuân Đinh Hợi

Nhớ ngày về khu tập thể 704
Khu gia binh biến thành trụ sở
Và nơi ấy cũng là nhà tôi ở
Bao chuyện xóm làng để nhớ, để quên
*
Ở đời biết bao chuyện triền miên
Nhớ kẻ ra đi, nhớ người mới đến
Có tất cả chuyện tình thương mến
Về xếp đầy thẻ nhớ thời gian
*
  Có nỗi nhớ trong đêm mênh mang
Để sớm ra thấy lòng bừng sáng
Có nỗi nhớ muốn đào sâu chôn chặt
Để chẳng còn vương vấn ở bên ta
*
Có mỗi ngày một ý tưởng  sinh ra
Để nỗi nhớ cứ tràn về nỗi nhớ
Với bao chuyện đời trăm hoa đua nở
Như mùa xuân về anh ơi !
      *
Mùa xuân này em sẽ nói với anh thôi
Điều ủ chín từ mùa xuân năm ngoái
Cũng là lúc giao thừa gần lại
Nợ trả chưa xong - nỗi nhớ vẫn theo hoài
Ban Mê  Xuân Đinh Hợi 200

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2007

CHUNG MỘT KHOẢNG TRỜI

CHUNG MỘT KHOẢNG TRỜI
(Tặng em cô sinh viên Y tháng 04/1983)

Anh hướng bắc, em ở hướng nam
Hai đứa hai đầu cùng chung Thị xã
Ngày đến tựu trường lo em vất vả
Một đoạn đường thôi - cũng thấy xa

Thu em về, Đông anh lại sang
Thấy hoa cúc nở vàng bên ngõ
Mùi hương nào thoảng đưa trong gió
Một phút bâng khuâng tràn ngập trong lòng.

Có phải em – hương vị của hoa không
Để anh thả hồn theo bông hoa nhỏ
Một phút thôi, cũng nhân thêm lỗi nhớ
Yêu em thêm yêu cuộc đời

Thứ bảy này anh đến với em thôi
Cho đôi bánh xe quoay tròn quanh Thị xã
Cho hai đứa mình về chung một ngả
Nối lại gần nhau buổi cuối tuần
Anh hiểu em rồi “ chẳng muốn gần anh”
Sợ thiếu thời gian lo học hành thành đạt
Như mầm cây reo trên đất mát
Vươn thẳng lên - Sức sống vẹn tròn
Một hạt mưa rớt bên cây non
Đều hóa nhựa nuôi mầm xanh của lá
Một lần đến bên nhau vội vã
Để hiểu nhau hơn – những lúc xa
Hai đứa ở hai đầu Thị xã
Hướng Bắc, hướng Nam, chung một khoảng trời
Có thể nào hơn thế được em ơi
Chiều thứ bảy đưa chúng mình xích lại !

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2007

Xuân bính dần



Xuân bính dần

Đón tết mừng xuân năm bính dần
Một nhành mai nhỏ khoe sắc xuân
Tình người muốn gởi theo ngàn gió
Yêu sắc mai vàng gọi nắng xuân
*
Đến ngắt một hoa trong rừng hoa
Với bao hương sắc thật đậm đà
Đời người hỏi có bao lần hưởng
Tôi hướng lòng tôi đến một hoa !

Xuân 1986