Bài đăng phổ biến

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO, LÀO – VIỆT NAM

TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUAN HỆ ĐẶC BIỆT VIỆT NAM – LÀO,LÀO – VIỆT NAM


              Chi bộ tổ dân phố 11, P. Thành Công, Tp Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
CĐ 1:- Những cơ sở tạo nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam (05/09/1962). Ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước.
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước và đặc biệt trong hơn bảy thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phom-vi-hẳn đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
            Nhìn lại chặng đường hào hùng lịch sử đã qua, chúng ta có thể tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, hai nước đã thành lập Liên quân Việt – Lào để cùng chung sức chiến đấu chống kẻ thù chung. Những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đã sang Lào cùng chiến đấu sát cánh bên lực lượng vũ trang Pa-thét Lào. Quyết tâm, hy sinh xương máu và sự phối hợp chặt chẽ giữa những người con ưu tú của hai dân tộc đã góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân cũ của hai nước đi đến thắng lợi vẻ vang, với việc ký Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương.
Thời kỳ sau đó, tinh thần đoàn kết Việt Nam – Lào lại càng được hun đúc và tôi luyện hơn khi hai nước nhịp nhàng hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra. Ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ hai nước. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt – Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang, cùng góp phần to lớn giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà đỉnh cao là Đại thắng Mùa Xuân 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2-12-1975 tại Lào.
            -Ý nghĩa của việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam và Đảng NDCM Lào. Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này giữa hai nước. Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp bạn bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

CĐ 2: - Phát triển Liên minh chiển đấu, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của Đế quốc Mỹ, giành thắng lợi hoàn toàn (1963 – 1975).
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào (15-2-1963) đề ra nhiệm vụ: đấu tranh bảo vệ Chính phủ liên hiệp, bảo vệ hòa bình và ra sức củng cố, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt. Hội nghị xác định quân đội Pathết Lào phải tích cực hoạt động quân sự làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu lấn chiếm của địch.
            Từ ngày 18 đến ngày 24-4-1963, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào hội đàm để thống nhất các hoạt động phối hợp và giúp đỡ nhau có hiệu quả hơn. Đặc biệt, tại cuộc hội đàm (7-1963) bàn về phương hướng phát triển của cách mạng Lào, hai Đảng thống nhất nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng lực lượng cả về quân sự và chính trị, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề nghị Việt Nam tăng cường lực lượng chuyên gia giúp Lào toàn diện, từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện; trong đó, về quân sự, giúp Lào thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng chính trị, tư tưởng, tổ chức Đảng trong quân đội và củng cố, phát triển phong trào chiến tranh du kích.
Thực hiện chủ trương trên, từ cuối năm 1963, đầu năm 1964, Việt Nam cử hơn 2.000 chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Tiếp đó, từ giữa năm 1964, thành lập hệ thống chuyên gia quân sự Việt Nam từ trên cơ quan Tổng tư lệnh Lào xuống đến Bộ tư lệnh các quân khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn, có nhiệm vụ phối hợp với bạn để nghiên cứu kế hoạch tác chiến, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố các vùng căn cứ ở Lào. Đồng thời, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Pathết Lào mở nhiều chiến dịch, chủ yếu ở khu vực đường 9 – Trung Lào, Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, đập tan các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Việt Nam vận chuyển trên đường tây Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam và cách mạng hai nước Lào, Campuchia.
Từ giữa năm 1965, do bị thất bại nặng nề trong âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng và không thực hiện được ý đồ phá hoại, chia rẽ giữa các lực lượng cách mạng và yêu nước Lào, đế quốc Mỹ thực hiện bước leo thang chiến tranh mới, đưa lực lượng không quân Mỹ vào tham chiến ở Lào, đẩy chiến tranh đặc biệt ở Lào phát triển đến cao độ; đồng thời tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc Việt Nam,
Trước tình hình trên, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Lào (5-1965) nêu cao quyết tâm đánh bại chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ ở Lào và đề ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh đấu tranh quân sự, phát triển chiến tranh nhân dân; tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; củng cố và mở rộng vùng giải phóng thành quy mô của một quốc gia.
Do yêu cầu tăng cường đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 22 tháng 6 năm 1965, Đảng Lao động Việt Nam hội đàm với Đảng Nhân dân Lào thống nhất các nội dung phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau, trong đó tập trung giúp Lào xây dựng vùng giải phóng về mọi mặt với quy mô một quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang. Tiếp đó, ngày 3 tháng 7 năm 1965, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết khẳng định: “Việt Nam cần phải nỗ lực đáp ứng đến mức cao nhất mọi yêu cầu đối với công cuộc phát triển cách mạng của Lào”
Thực hiện chủ trương giúp đỡ lẫn nhau đã được hai Đảng thống nhất, ngay từ giữa năm, nhất là từ cuối năm 1965 trở đi, Việt Nam cử một số đơn vị quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự, chính trị, kinh tế, và văn hóa sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào với số lượng ngày càng lớn theo yêu cầu của cách mạng Lào. Đến năm 1967, số cán bộ, công nhân Việt Nam tham gia xây dựng các ngành kinh tế, văn hóa ở Lào lên tới 15.000 người; riêng chuyên gia về quân sự lên tới 8.500 người.
Nêu cao tinh thần đồng cam cộng khổ, các lực lượng Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã kề vai sát cánh cùng quân và dân Lào ra sức xây dựng vùng giải phóng Lào về mọi mặt như quy mô một quốc gia; xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng Lào; đánh địch lấn chiếm, giữ vững và mở rộng các khu căn cứ; bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn. Đặc biệt, đầu năm 1968, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công Nặm Bạc thắng lợi, giải phóng hoàn toàn khu vực Nặm Bạc – Khăm Đeng với trên một vạn dân, nối liền vùng giải phóng Thượng Lào thành khu vực liên hoàn, tạo thế vững chắc cho hậu phương cách mạng Lào và hỗ trợ thiết thực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Campuchia.
Những thắng lợi trên thể hiện nấc thang phát triển mới của lực lượng cách mạng Lào, đồng thời khẳng định sức mạnh to lớn của quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân hai nước Việt Nam – Lào, trong đó thể hiện tình cảm chân thành nhất mực, sắt son của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào, như đồng chí Cay xỏn Phômvihản phát biểu trong cuộc hội đàm giữa Đảng Nhân dân Lào và Đảng Lao động Việt Nam (12-1968) đã nhấn mạnh: “Sự giúp đỡ của Việt Nam cho cách mạng Lào hết sức tận tình và vô tư. Việt Nam đã giúp Lào cả vật chất và xương máu. Xương máu của nhân dân Việt Nam đã nhuộm đỏ khắp nơi trên đất nước Lào vì nền độc lập của Lào… Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Lào đã xây dựng nên mối quan hệ đặc biệt, thực tế đó cũng là sự vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản”. Những thắng lợi đó góp phần củng cố thêm sự gắn bó mật thiết giữa hai Đảng và hai dân tộc Việt Nam – Lào.
Trước âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào đã ra chỉ thị khẳng định tăng cường đoàn kết giữa nhân dân hai nước, quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trong bất cứ tình huống nào. Ngày 18 tháng 7 năm 1969, Quân ủy Trung ương Việt Nam hội đàm với Quân ủy Trung ương Lào thống nhất các nội dung phối hợp và giúp đỡ nhau trên lĩnh vực quân sự, đồng thời xác định nhiệm vụ cách mạng Lào tập trung vào việc xây dựng, tăng cường lực lượng về mọi mặt; nâng cao chất lượng ba thứ quân; đẩy mạnh đấu tranh ở cả hai vùng nông thôn và thành thị, trên cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao; củng cố vững chắc các địa bàn đứng chân, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng; chú trọng sản xuất, bồi dưỡng sức dân… Đặc biệt, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Lào (25-6-1970) xác định nhiệm vụ cách mạng Lào trong hai năm tới là: Nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, phát huy thế chủ động tiến công địch về mọi mặt; ra sức củng cố vùng giải phóng; xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt
Thực hiện chủ trương trên, từ năm 1969, hai nước Việt Nam – Lào càng tích cực đẩy mạnh các hoạt động phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt.
Về quân sự: Quân ủy Trung ương Việt Nam quyết định tăng cường cán bộ cho các đoàn chuyên gia quân sự từ trung ương đến các tỉnh theo yêu cầu của Lào. Các lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào đã đẩy mạnh nhiều hoạt động, vừa chú trọng giúp bạn xây dựng, nâng cao khả năng, trình độ chiến đấu của bộ đội Lào, vừa cùng quân giải phóng Lào chiến đấu, đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, quan trọng nhất là đập tan các chiến dịch Cù Kiệt (10.1969 – 4.1970), chiến dịch Đường 9 – Nam Lào (3-1971), giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, trong đó có vùng chiến lược Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, bảo vệ vững chắc và thông suốt tuyến vận tải chiến lược tây Trường Sơn.
Về chính trị, ngoại giao: Việt Nam tích cực ủng hộ giải pháp năm điểm của Neo Lào Hắc Xạt (3-1970) để giải quyết vấn đề Lào trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ 1962; phối hợp chặt chẽ với Lào tích cực đóng góp cho thành công của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương (4-1970) và vào việc thành lập Mặt trận thống nhất chống Mỹ, góp phần tăng cường liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, làm cho nội bộ địch, kể cả giới cầm quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.
Về lĩnh vực xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá: Các bộ, ngành của Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác, giúp đỡ với các bộ, ngành của Lào, như: lâm nghiệp, công nghiệp nhẹ, thủ công và địa chất (2-1972); giao thông vận tải (4-1972); thuỷ lợi (5-1972), nhằm nâng cao tốc độ phát triển kinh tế trong vùng giải phóng Lào.
Với sự nỗ lực vượt bậc của bản thân và cùng với sự đoàn kết, giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam, đến cuối năm 1972, cách mạng Lào đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng, nhất là Đảng Nhân dân Lào đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai: quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào và suy tôn đồng chí Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Đảng; thông qua Nghị quyết: “Tăng cường đoàn kết Lào – Việt”, trong đó khẳng định tình đoàn kết Lào – Việt trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản là mối quan hệ đặc biệt, đã đánh dấu sự trưởng thành về chính trị và tổ chức của Đảng Nhân dân cách mạng Lào – nhân tố trọng yếu, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam lên bước phát triển mới. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào với hơn 3 vạn quân tập trung cùng hơn 5 vạn dân quân du kích trên khắp mọi miền của đất nước không ngừng trưởng thành, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong những trận đọ sức quyết định. Vùng giải phóng Lào được mở rộng, củng cố, đã nối liền từ Bắc đến Nam và từng bước xây dựng theo quy mô một quốc gia, có nền tài chính riêng, có một số xí nghiệp công nghiệp nhỏ, thương nghiệp quốc doanh, nhiều tỉnh đã bước đầu tự túc được lương thực... Nhân dân các bộ tộc Lào trong vùng giải phóng từ địa vị nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, tích cực tham gia xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng cuộc đời mới của mình.
            Những chiến thắng to lớn về nhiều mặt nói trên đã trực tiếp góp phần quan trọng buộc chính phủ Viêng Chăn phải ký kết Hiệp định “lập lại hoà bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào” (21-2-1973), tạo điều kiện và thời cơ rất thuận lợi để thúc đẩy cách mạng Lào tiến lên, đồng thời mở ra cơ hội mới cho liên minh chiến đấu Việt Nam – Lào đẩy mạnh đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.
Tuy phải chấp nhận cho chính quyền tay sai Viêng Chăn ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Lào (2-1973), nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục câu kết và sử dụng lực lượng phản động Lào để phá hoại việc thi hành Hiệp định Viêng Chăn, gây lại tình hình căng thẳng ở Lào và chống phá cách mạng Đông Dương.
Trước tình hình trên, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào chủ trương: giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, hòa hợp dân tộc để tập hợp lực lượng đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định; nâng cao cảnh giác, quyết tâm đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù; tăng cường lực lượng về mọi mặt, tạo điều kiện đi đến xây dựng một nước Lào độc lập, dân chủ, trung lập, thống nhất và thịnh vượng. Để xây dựng và củng cố vùng giải phóng ngày một vững mạnh làm hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh, Trung ương Đảng Nhân dân Lào đề nghị Việt Nam tiếp tục cử chuyên gia giúp Lào, nhất là về các ngành hành chính sự nghiệp, kinh tế, văn hóa…
Đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào trong tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (7-1973) chủ trương phối hợp và hỗ trợ Lào phát huy thắng lợi đã đạt được, củng cố và đẩy mạnh các hoạt động buộc đế quốc Mỹ phải thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Viêng Chăn. Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã chỉ thị cho các đơn vị quân tình nguyện và đội ngũ chuyên gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào tăng cường lực lượng, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ do cách mạng Lào đặt ra.
Tại cuộc hội đàm giữa hai đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào (12-1973), hai Đảng đã thống nhất xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong tình hình hiện nay để đưa cách mạng Lào tiến lên là: củng cố, xây dựng vùng giải phóng; nắm chắc lực lượng vũ trang, đi đôi với việc sử dụng Chính phủ liên hiệp; đẩy mạnh đấu tranh chính trị trong hai thành phố trung lập và trong vùng đối phương quản lý. Để nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng hai nước, hai Đảng đã nhất trí phương hướng hợp tác cần tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất, những khâu then chốt nhất, tạo điều kiện cho Lào nhanh chóng đảm đương được công việc một cách độc lập, tự chủ. Riêng về quân sự, hai Đảng thống nhất cần phải bố trí lại lực lượng phù hợp tình hình mới: Đưa các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đứng chân ở tuyến sau, giúp bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng, đề phòng địch bất ngờ tiến công lấn chiếm; đưa bộ đội giải phóng Lào lên phía trước, trực tiếp tiếp xúc với địch, gây áp lực, làm chỗ dựa cho quần chúng đấu tranh và sẵn sàng tiến công địch khi cần thiết.
Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam từng bước rút chuyên gia ở tỉnh và huyện về nước (rút trước tháng 5-1974), đồng thời điều chỉnh các lực lượng chuyên gia và quân tình nguyện còn lại để phối hợp và giúp Lào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Về quân sự: Việt Nam cử nhiều đội công tác phối hợp với cán bộ Lào xây dựng cơ sở, củng cố các đội du kích, tổ chức huấn luyện quân sự và các chuyên gia tham gia công tác tổng kết, tổng hợp tình hình, theo dõi, giúp đỡ các cụm chủ lực Lào; đồng thời, quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chặt chẽ với bộ đội Lào đập tan nhiều cuộc hành quân lấn chiếm của địch ở Luổng Phạbang, tây Mương Xủi - Xala Phu Khun, đông và nam Thà Khẹc, nam Đường số 9, nam Pạc Xê, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng và hỗ trợ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng địch kiểm soát.
Về kinh tế, văn hóa:Các chuyên gia Việt Nam đã phối hợp tích cực, cùng với cán bộ và nhân dân Lào đẩy mạnh sản xuất, xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục trong vùng giải phóng, góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách về đời sống của nhân dân và chuẩn bị các mặt cho việc phát triển kinh tế của vùng giải phóng trong những năm tiếp theo.
Về đối ngoại: Từ cuối năm 1973, Đảng Lao động Việt Nam đã tổ chức các đoàn đại biểu đại diện của Đảng và Nhà nước sang thăm hữu nghị chính thức vùng giải phóng Lào, như: chuyến thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương, từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 11 năm 1973; chuyến thăm của Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu (tháng 1 năm1974); chuyến thăm của Đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam do bà Nguyễn Thị Định dẫn đầu (tháng 4 năm 1974)…Việt Nam cũng phối hợp và giúp Lào đón nhiều đoàn đại biểu của các nước đến thăm vùng giải phóng Lào, như: Đoàn đại biểu Quốc hội Thuỵ Điển, Đoàn đại biểu kinh tế Cu Ba (tháng 1 năm1974); Đoàn đại biểu Đảng công nhân xã hội thống nhất Hunggary, Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Bungary (tháng 2 năm 1974); Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cu Ba (tháng 2 năm 1974)…
Sự phối hợp chặt chẽ và giúp đỡ hiệu quả giữa Việt Nam và Lào nói trên, đã làm cho thế và lực của cách mạng Lào lớn mạnh vượt bậc, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lan rộng và sôi nổi, nhất là ở Thủ đô Viêng Chăn, buộc Chính phủ liên hiệp phải chấp nhận Cương lĩnh chính trị 18 điểm và Chương trình hành động 10 điểm do Mặt trận Lào yêu nước đưa ra (12-1974), đồng thời góp phần hỗ trợ tích cực cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trước thắng lợi dồn dập, to lớn của nhân dân Việt Nam, Campuchia trong tháng 4-1975, nhất là chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4-1975) của nhân dân Việt Nam, ngày 5-5-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào tổ chức Hội nghị mở rộng, quyết định phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong cả nước nổi dậy đoạt lấy chính quyền và giành thắng lợi hoàn toàn.
Việc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời (tháng 12 năm 1975) là thắng lợi to lớn, triệt để của nhân dân các bộ tộc Lào, đồng thời cũng là thắng lợi quan trọng của mối quan hệ đặc biệt, liên minh đoàn kết chiến đấu, thủy chung, son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.
Như vậy, trong lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam, Làothực sự là một cuộc trường chinh đầy khó khăn, gian khổ, song cũng rất đỗi sôi động và hào hùng.
           
CĐ 3: - Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và các nhà lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam
            Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời. Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mêkông, núi liền núi, sông liền sông, ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam - Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.
Mối quan hệ đã được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp và quân dân hai nước dày công vun đắp để không ngừng phát triển và được đúc kết thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế và là tài sản chung vô giá của hai dân tộc Việt - Lào.
Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta - Người đã dày công vun đắp cho mối quan hệ Việt - Lào đã nhấn mạnh, đó là mối “quan hệ đặc biệt” mà lịch sử đã chứng minh cái nghĩa, cái tình và tấm lòng thủy chung, son sắt, sát cánh bên nhau của hai Đảng, hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập cho dân tộc và cùng nhau xây dựng hòa bình, hướng tới tương lai hạnh phúc.
Nền tảng của quan hệ Việt - Lào xuất phát từ quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ truyền thống ấy trở nên “đặc biệt” từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào) trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào, cùng sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung, xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt - Lào.
Sự nghiệp cách mạng của hai nước Lào - Việt Nam có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ điều đó và thường xuyên căn dặn: “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào.”
Với quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, với thiện chí chân tình, thông cảm nhau sâu sắc trên tình đồng chí anh em, giúp bạn là tự giúp mình, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã cử hàng chục vạn con em yêu quý của mình sang công tác và phối hợp với quân và dân Lào chiến đấu tại các chiến trường của Lào, máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ Việt Nam hòa quyện với máu của quân và dân Lào để đem lại thắng lợi vẻ vang cho hai dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt - Lào, đó vừa là nghĩa vụ quốc tế, vừa là lợi ích sống còn của mỗi nước. Người rất chăm chú theo dõi và dìu dắt, giúp đỡ phong trào cách mạng ở Lào với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Từ khi mới ra đời, tại Hội nghị Trung ương tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương: ba nước đều là thuộc địa của Pháp... nên cần đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc...
Bên cạnh đó, trong tư tưởng chỉ đạo và hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn phát huy cao độ tính độc lập và chủ động của đồng bào các bộ tộc Lào. Theo Người “kháng chiến Việt - Miên - Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến Miên, Lào mới thắng lợi và kháng chiến Miên, Lào có thắng lợi thì kháng chiến Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”. Người khẳng định “Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Việt Nam ra sức hết lòng, thành thực giúp đỡ Mặt trận nhân dân Lào, Miên một cách không có điều kiện”; “Mà giúp nước bạn tức là tự giúp mình” nên “phải ra sức giúp đỡ một cách tích cực, thiết thực hơn”. Trong quá trình giúp cách mạng Lào, Người chỉ rõ, khi giúp bạn, phải nắm vững nguyên tắc dân tộc tự quyết. Việc gì cũng phải đựơc Đảng và nhân dân Lào đồng ý rồi mới làm. Bởi vì, người làm nên lịch sử Lào không ai khác chính là nhân dân Lào, cách mạng Lào phải do nhân dân Lào tự làm lấy, sự nghiệp cách mạng Lào phải do Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo. Tại Hội nghị Trung ương III (khóa II), Hồ Chủ tịch nêu rõ: “cho đến nay chúng ta phải cố gắng giúp đỡ hơn nữa” và cũng từ đó, nhiệm vụ giúp đỡ cách mạng Lào ngày càng được tăng cường, quan hệ đoàn kết Việt - Lào càng thêm gắn bó, mật thiết.
Sau Hội nghị, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số đảng viên của Đảng từ Việt Nam và Thái Lan đã sang hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng ở Lào, một số chi bộ cộng sản đã được thành lập ở Savannakhet, Thakhek, Vientiane, và đến tháng 9/1934 Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã được thành lập tại Lào, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Đó là những mốc son lịch sử trong quan hệ Lào-Việt Nam; cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân hai nước gắn bó với nhau và ngày càng phát triển trong tình đoàn kết chiến đấu và tạo nên cơ sở cho tình đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng và hai nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn gắn chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ mật thiết cách mạng hai nước Lào - Việt Nam, nuôi dưỡng và phát huy sáng tạo sức mạnh chung của nhân dân hai nước để cùng tiến hành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Lào cũng như thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, giành độc lập cho nhân dân mỗi nước năm 1945. Ngày 30/10/1945, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác tương trợ Việt - Lào. Với Hiệp ước này, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển quan hệ đoàn kết giữa hai dân tộc anh em không chỉ trong quan hệ giữa nhân dân hai nước, mà còn trên tầm quan hệ gắn bó giữa hai nhà nước.
Chủ tịch Xuphanuvông đã khái quát ý nghĩa trọng đại của sự kiện này: “Quan hệ Lào-Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới”, kỷ nguyên của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam giúp đỡ nhau vì mục tiêu chung của hai dân tộc. Cũng ngày 30/10/1945, Chính phủ hai nước quyết định thành lập Liên quân Lào - Việt Nam.
Thắng lợi đó dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương là thắng lợi của nhân dân hai nước cùng chung lý tưởng, cùng chung mục tiêu, đoàn kết gắn bó với nhau, cùng đấu tranh giành thắng lợi. Đó là bài học lịch sử đầu tiên vô cùng quý giá trong lịch sử cách mạng giải phóng của hai dân tộc anh em.
Bằng việc xây dựng hệ thống quan điểm và chỉ đạo thực tiễn thực hiện liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, cũng như sự quan tâm, phát hiện và xây dựng nhân tố bên trong cho cách mạng Lào, đã dẫn tới việc thành lập Đảng Nhân dân Lào ngày 22/3/1955, sau này là Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 2/1972), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thật sự đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Đó là mối quan hệ vừa bảo đảm lợi ích dân tộc, vừa bảo đảm kết hợp hài hòa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để cùng hướng tới mục tiêu chung là giải phóng dân tộc và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.
Đúng như Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản đánh giá: “Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Hồ Chí Minh sáng lập đã ra đời, là bước ngoặt lịch sử của cách mạng ba nước Đông Dương. Từ đó trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác-Lênin chân chính và với ngọn cờ cách mạng dân tộc, dân chủ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào đã bước vào thời kỳ mới và với chất lượng mới hoàn toàn.”
Điều đó càng chứng tỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đóng góp về lý luận, đường lối, phương hướng cách mạng mà Người còn quan tâm đến cả việc tổ chức, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Lào.
Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào trong suốt nhiều thập kỉ qua gắn liền với tên tuổi, công lao to lớn của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Sự cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho Đảng thể hiện phẩm chất tuyệt vời của Chủ tịch. Công lao và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản mãi mãi được ghi vào sử sách của Lào.
Chủ tịch Cayxỏn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đóng góp nhiệt tình vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực. Trong quan hệ quốc tế đó, đoàn kết với Việt Nam luôn là nhân tố quan trọng và được Chủ tịch dày công vun đắp mối quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung son sắt giữa Lào và Việt Nam. Chính từ khói lửa của chiến tranh ác liệt vì độc lập tự do cho dân tộc mình đã làm cho nhân dân hai nước, các chiến sĩ cách mạng và các nhà lãnh tụ cao nhất của hai dân tộc gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau và cùng nhau làm cách mạng, đánh bại các lực lượng thù địch và tiến lên theo con đường đã lựa chọn.
Trong suốt thời gian lãnh đạo cách mạng Lào, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng Lào. Trong các cuốn sách, trong các bài phát biểu của mình, Chủ tịch luôn khẳng định chính sách trước sau như một của Đảng, Nhà nước, nhân dân Lào đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tác chiến tại Lào, ngày 21/9/1965, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã nói: “Nhìn lại lịch sử 20 đấu tranh vừa qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, ở đâu, hai dân tộc anh em Lào - Việt Nam chúng ta luôn luôn sống chết có nhau, cùng nhau làm cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi chung của chúng ta. Hai anh em chúng ta đồng cam cộng khổ, bát cơm chia đôi, cọng rau bẻ nửa, sướng khổ có nhau, quan hệ giữa hai dân tộc là quan hệ đặc biệt”.
Sau khi hai nước hoàn toàn được giải phóng năm 1975, quan hệ hai nước chuyển sang giai đoạn mới. Trong bài phát biểu chào mừng Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15/12/1976, Chủ tịch Cayxỏn đã nói: “Trong lịch sử cách mạng thế giới có nhiều tấm gương sáng về tình cảm quốc tế vô sản, nhưng chưa có khi nào, chưa có ở nơi đâu có mối quan hệ đoàn kết chiến đấu đặc biệt lâu dài, toàn diện như mối quan hệ Lào - Việt Nam. Mối quan hệ đó đã trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng, mẫu mực, hiếm có và ngày càng được củng cố, phát triển vững chắc. Chúng tôi nguyện hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị Lào - Việt Nam ngày một xanh tươi, đời đời bền vững”.
Về phía Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã dành phần đất của mình để giúp Việt Nam xây dựng “Đường Hồ Chí Minh”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 và tạo điều kiện cho cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn và thiết lập nên nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào ngày 2/12/1975.
Tình hữu nghị và đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam là kết quả của việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam và Lào, là một trong những thành quả cách mạng của hai dân tộc, do nhân dân hai nước cùng nhau xây dựng nên và được xây đắp bằng công sức, xương máu của nhân dân hai nước.
Ngày 18/7/1977, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào được ký kết, là cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu mốc phát triển mới của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước của mỗi nước.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện, nhất là từ khi hai nước thực hiện công cuộc đổi mới, trong tình hình hội nhập với nhiều biến động, nhiều khó khăn và thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt và dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ giữa hai nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và nhất định sẽ giành được những thắng lợi to lớn hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, thiết thực góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt. Đó cũng là thành quả được kết tinh từ lịch sử, từ sứ mệnh mà hai Đảng, hai dân tộc đã chung sức, chung lòng, chung vai gánh vác qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ của cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước.
            Chủ tịch Cay xỏn Phômvihản cũng đã khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào mãi mãi bền vững”, “quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt Nam mãi mãi là tài sản vô giá, là hành trang không thể thiếu của hai dân tộc trên con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Cay xỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đối với nhân dân hai nước Việt Nam, Lào, quan hệ đặc biệt được coi là lẽ sống, là tình nghĩa ruột thịt thân thiết, trước sau như một, dù gian nan nguy hiểm đến chừng nào cũng không thể chia tách được. Tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Với những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và những chuyển biến quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới.
CĐ 4: - Quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào- Việt Nam từ năm 1976 đến nay. Ý nghĩa và tầm quan trọng của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (được ký kết ngày 18-7-1977)
Năm 1976, ngay sau thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Lào và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận quan trọng trong vòng hai tháng rút toàn bộ quân đội và chuyên gia Việt Nam về nước và bắt đầu xúc tiến việc hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước. Tuy nhiên, lợi dụng cơ hội này, bọn phản động trong nước Lào, với sự hỗ trợ của các thế lực thù địch quốc tế, đã hoạt động nổi dậy ở nhiều nơi. Do vận mệnh của hai nước liên đới lẫn nhau nên mối quan tâm hàng đầu về an ninh chính trị của Lào cũng là mối quan tâm thường trực của Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết Về tăng cường giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới, xác định: việc tăng cường đoàn kết, giúp đỡ, hợp tác đối với Lào là một trong những nhiệm vụ quốc tế hàng đầu của Đảng và nhân dân Việt Nam, cũng là vì lợi ích thiết thân của cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7 năm 1977, Đoàn đại biểu cao cấp Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào. Hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng mà hai bên cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng thiết tha và lợi ích sống còn của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là Hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Hiệp ước có giá trị trong 25 năm và sẽ được mặc nhiên gia hạn thêm từng 10 năm nếu một trong hai bên không thông báo cho bên kia muốn hủy bỏ Hiệp ước ít nhất là một năm trước khi hết hạn. Hiệp ước nêu rõ: Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhauĐây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước. Việc ký kết hiệp ước đó còn có ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước đang cùng hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.
Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia là một biểu hiện tốt đẹp của việc giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc trên tinh thần kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, là mẫu mực về chính sách láng giềng hữu nghị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Thành quả 20 năm hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam rất to lớn.
- Hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại
Mối quan hệ hợp tác về chính trị trong giai đoạn này tập trung vào nỗ lực của hai nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu cùng lựa chọn: tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa mà chưa có tiền lệ lịch sử.
Việc nước Lào tự chủ giải quyết những vấn đề của Lào để ổn định và phát triển như: giữ vững chủ quyền lãnh thổ, duy trì an ninh nội địa, bảo vệ chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tranh thủ viện trợ nước ngoài, v.v…đã ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định và từng bước đi lên của Việt Nam. Điều nổi bật là sự cố gắng tìm tòi học hỏi của các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào về kinh nghiệm và nghiên cứu lý luận của quốc tế để hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Lào. Bản thân đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã đọc đi đọc lại tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào công tác xây dựng Đảng ở Lào. Đồng thời, đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, Lào còn trực tiếp phối hợp với Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, chủ động giúp Việt Nam tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ với các nước khác trong khu vực…; trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về từng bước đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp (trang trại), lưu thông thương mại, v.v... Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường xuyên nhấn mạnh quan điểm lập trường trước sau như một ủng hộ Việt Nam của Lào: Lào vững mạnh, độc lập thì Việt Nam ổn định, phồn vinh.
Về phía Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, mặc dầu phải giải quyết nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh, nhưng luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương hỗ của cách mạng hai nước trong giai đoạn mới: “Lào có ổn định thì Việt Nam mới ổn định và ngược lại”. Vì vậy, Việt Nam đã cố gắng đáp ứng các yêu cầu chi viện và hợp tác với Lào một cách toàn diện, theo tinh thần vô tư “không tính thiệt hơn”.
Tại các cuộc hội đàm hàng năm giữa hai Bộ Chính trị, các cuộc gặp gỡ trao đổi khi có việc đột xuất giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể Việt Nam đã góp phần giúp Lào kinh nghiệm về giải quyết các khó khăn, giải tỏa kịp thời các vướng mắc xẩy ra, củng cố niềm tin của Lào về thiện chí của Việt Nam. Và ngược lại, sự chia sẻ của Lào với Việt Nam trên lĩnh vực an ninh chính trị, kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội đã tạo niềm tin và là sức mạnh vô giá, giúp Việt Nam bảo đảm được lợi ích trực tiếp về an ninh và phát triển ở biên giới phía Tây của mình.
Việc giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước là một thành tựu nổi bật của hợp tác chính trị trong giai đoạn này. Để triển khai Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước (18 tháng 7 năm 1977), hai bên thỏa thuận lấy đường biên giới mà Pháp vẽ trên bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương làm cơ sở đối chiếu, so sánh cho việc phân chia biên giới trên thực địa. Từ ngày 25 tháng 7 năm 1978, ngày cắm mốc đầu tiên đến ngày 24 tháng 8 năm 1984, Việt Nam cùng với Lào đã cơ bản hoàn thành hệ thống quốc mốc. Sau 8 năm tiến hành, đến ngày 24 tháng 1 năm 1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài 2.067 km đã hoàn thành. Việc phân định chính thức đường biên giới quốc gia giữa hai nước thể hiện nguyên tắc trong quan hệ hai nước: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như lợi ích chính đáng của mỗi bên, phù hợp với luật pháp quốc tế và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước muốn có một đường biên giới hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài.
Trong hợp tác đối ngoại, theo tinh thần của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ về đường lối hoạt động đối ngoại, phát huy hiệu quả công tác đối ngoại mỗi nước và sức mạnh của ba nước Đông Dương trên trường quốc tế, góp phần làm cho môi trường an ninh chính trị Đông Nam Á đi dần vào ổn định, thể hiện thiện chí của các nước Đông Dương xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trên đất nước Lào lúc này, tình hình kinh tế – xã hội đang dần đi vào ổn định, độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự xã hội được giữ vững; chế độ dân chủ nhân dân được bảo vệ. Tuy nhiên, Lào vẫn phải đối phó với chính sách thù địch của lực lượng phản động ở Thái Lan không ngừng dùng sức ép chính trị, kinh tế, quân sự đòi sửa đổi lại đường biên giới…
Trong bối cảnh đó, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong đời sống chính trị hai nước. Đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3 năm 1982) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 4 năm 1982). Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương hai Đảng đều khẳng định sự tất yếu khách quan phải tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong hai ngày 22 và 23 tháng 2 năm 1983, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, tập trung thảo luận về tình hình ba nước Đông Dương, tình hình quốc tế và khu vực; đề ra những nguyên tắc, phương hướng, biện pháp nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa ba nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước, tạo nhân tố quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và thế giới; vấn đề quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Hội nghị đã nhất trí đề ra 4 nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa ba nước, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi nước và vì lợi ích chung của ba dân tộc, trên tinh thần hữu nghị anh em, hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi.
Tiếp đó, tại Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 1985, một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai bên củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước đã dày công vun đắp; tăng cường sự hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tích cực thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước và những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương. Tuyên bố chung cũng thể hiện nguyện vọng của nhân dân ba nước Đông Dương và ASEAN cùng nhau giải quyết những vấn đề khu vực bằng đàm phán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
- Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
Trên nền tảng quan hệ chặt chẽ về chính trị giữa hai nước, những năm 1976 – 1985, hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu theo tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu, phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực vào việc bảo đảm củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định xây dựng của mỗi đất nước.
Do tình hình phức tạp trong nước và khu vực, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của Lào, tháng 12 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra quyết nghị: tiếp tục đề nghị Việt Nam đưa lực lượng quân đội sang hỗ trợ quân đội Lào nhằm ổn định tình hình, ngăn ngừa các nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Trung tuần tháng 9 năm 1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ huy tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủngày 22 tháng 9 năm 1977.
Ngày 28 tháng 6 năm 1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Sắc lệnh thành lập Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Binh đoàn 678 do Trung tướng Trần Văn Quang làm tư lệnh kiêm chính ủy, gồm ba sư đoàn bộ binh (324, 968, 337), một số phân đội binh chủng làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Binh đoàn 678 có nhiệm vụ cùng Lào xây dựng nền kinh tế và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong cả nước Lào, tăng cường và bảo vệ khối liên minh Việt – Lào, không ngừng củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Trong hơn một năm (tháng 8 năm 1977 đến ngày 13 tháng 11 năm 1978) hoạt động phối hợp giữa lực lượng quân sự Lào với Sư đoàn bộ binh 324 là đợt hoạt động giành thắng lợi lớn nhất kể từ sau năm 1975, thể hiện tính hiệp đồng tác chiến cao và chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang hai nước trên các địa bàn xung yếu, đập tan các âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của Mỹ và các thế lực thù địch, thu hồi lại nhiều địa bàn quan trọng ở vùng rừng núi của Lào, nhất là ở các tỉnh: Xiêng Khoảng, Bolikhămxay, Luổng Phạbang, Viêng Chăn, khu vực biên giới giáp một số tỉnh miền Trung Việt Nam (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…), bảo đảm được an ninh trên các trục đường giao thông chiến lược như các đường 7, 9, 13… Đặc biệt, sự kiện tháng 5 năm 1985, Quân khu 4 Việt Nam đã sử dụng tiểu đoàn 31 đặc công quân khu và một số đơn vị bộ binh cùng các đơn vị vũ trang Lào phá tan sào huyệt phỉ lớn nhất ở Buôm Lọng, góp phần ổn định tình hình an ninh của Lào.
Bên cạnh việc phối hợp phòng thủ có hiệu quả, vì lợi ích của cả hai nước, Việt Nam và Lào còn đẩy mạnh hợp tác về đào tạo quân sự. Chỉ tính riêng trong năm 1984, Bộ quốc phòng Việt Nam đã cùng Lào đào tạo được 407 cán bộ, 1.381 cán bộ và nhân viên kỹ thuật tại 28 trường; 32 chuyên gia thường trú ở cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có công tác quân sự địa phương, 350 chuyên gia kỹ thuật về các xí nghiệp quốc phòng và các nông trường... Quân khu 4 Việt Nam đã hỗ trợ phía Lào thực hiện nhiệm vụ mở cửa ra hướng đông. Từ đó, các đơn vị kinh tế thuộc Quân đội nhân dân Lào đã có bước trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Công ty Phát triển miền núi Bộ Quốc phòng Lào từ chỗ gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, kỹ thuật đã vươn lên làm chủ tình hình, đưa Lắc Xao (Khăm Muộn) từ một vùng rừng núi hẻo lánh trở thành một trung tâm có nhiều xưởng máy, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào nói chung và Quân đội nhân dân Lào nói riêng, ngày 18 tháng 12 năm 1984, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xuphanuvông đã ký quyết định tặng Huân chương Vàng quốc gia, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Lào cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên lĩnh vực hợp tác an ninh, thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam, Bộ Nội vụ Lào đã ký Hiệp định hợp tác toàn diệnvới Bộ Nội vụ Việt Nam. Nội dung của Hiệp định cho phép lực lượng an ninh của hai nước, ở cả Trung ương và các địa phương quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn cán bộ lão thành...
Ngày 25 tháng 12 năm 1985, Trường Trung cấp An ninh Lào được thành lập, có nhiệm vụ tự đào tạo lực lượng an ninh Lào. Trong quá trình trên, Trường Đại học An ninh và Trường Đại học Công an Nhân dân của Việt Nam đã cử nhiều cán bộ, giảng viên sang Lào chuyển giao kiến thức cho cán bộ, học viên Lào. Nhờ đó, hàng năm Lào đã đào tạo được một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ làm công tác an ninh, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào. Thực tế cho thấy an ninh quốc phòng của hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào, Việt Nam có ổn định thì Lào mới có ổn định và ngược lại, Lào có ổn định thì Việt Nam cũng mới có ổn định. Cũng như vậy, Việt Nam có phát triển thì Lào mới mạnh lên được và ngược lại Lào có phát triển thì Việt Nam cũng mới mạnh lên được. Điều đó có nghĩa là Việt Nam và Lào phải cùng ổn định và phải cùng vững mạnh, đó là một quy luật được chứng minh từ sự phát triển của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam hơn 70 năm qua.
- Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật
Đây là giai đoạn Lào từng bước thử nghiệm cơ chế quản lý kinh tế mới ở một số cơ sở quốc doanh, chuyển từ nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên sang kinh tế sản xuất hàng hoá, khuyến khích sản xuất, lưu thông, xây dựng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Việt Nam cũng đang trong quá trình từng bước nghiên cứu, khảo nghiệm để đổi mới cơ chế quản lý từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thực hiện khoán trong nông nghiệp; giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp công nghiệp... nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của dân tộc Việt Nam và xu thế chung của thế giới.
Ngay từ năm 1983, khi tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hai nước bước đầu ổn định, công cuộc khôi phục kinh tế căn bản hoàn thành, hai nước chuyển sang nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất và kinh tế. Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ. Đồng thời, hai bên giúp nhau phát huy khả năng và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước để giải quyết những nhu cầu cấp bách về đời sống và sản xuất. Đây là những định hướng phù hợp với điều kiện hai nước trong những năm đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.
Quan hệ hợp tác thương mại: Trước năm 1975, Việt Nam và Lào có hiệp định trao đổi thương mại nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định một số nguyên tắc, thể lệ và danh mục chung, không quy định kim ngạch. Trao đổi chủ yếu diễn ra giữa các địa phương và các tỉnh của Việt Nam với vùng giải phóng Lào. Từ 1976 – 1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Từ năm 1981 –1985, kim ngạch tăng nhanh hơn do Thái Lan bao vây cấm vận Lào 273 mặt hàng, nên Lào chuyển hướng sang phía Đông. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào 5 năm (1981 – 1985) được ký kết, kèm theo nghị định thư thương mại hàng năm, đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước... Ngoài ra, Việt Nam còn hỗ trợ Lào sử dụng các nguồn viện trợ chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức quốc tế. Từ năm 1976 đến 1985, các nước và các tổ chức này đã viện trợ không hoàn lại cho Lào 547,89 triệu rúp, 126,57 triệu USD và cho vay 594,583 triệu rúp.
Trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đã từng bước thay đổi cả nội dung và phương thức hợp tác cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giai đoạn này cơ bản dựa trên cơ sở tinh thần quốc tế vô sản, với phương thức chủ yếu là viện trợ và cho vay theo cơ chế tập trung bao cấp, chưa tương xứng với yêu cầu của nhân dân hai nước và tầm cao của quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam và Lào.
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa, Việt Nam và Lào đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thân của công việc này đối với cả hai bên. Việc quan trọng hàng đầu là hai nước hợp tác quảng bá cuộc sống mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cũng như truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi nước. Hàng năm, hai bên thường xuyên lập kế hoạch giao lưu văn hoá nghệ thuật dưới các hình thức: trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Hai nước còn giúp nhau cung cấp một số thiết bị chuyên dụng về in, điện ảnh, sân khấu, phát thanh, truyền hình, đồng thời phối hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân hai nước về mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, Lào – Việt, cũng như phối hợp tuyên truyền, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn, qua đó tăng cường hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.
Hợp tác giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng có tính chiến lược vì lợi ích lâu dài của hai nước và là lĩnh vực hợp tác thành công nhất trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục thời kỳ này của hai nước thể hiện tinh thần giúp đỡ lẫn nhau nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của những năm mới giải phóng. Hàng năm, Bộ Giáo dục hai nước đều ký kết các văn bản hợp tác và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam được tổ chức lần lượt tại Hà Nội và Viêng Chăn. Hàng loạt hệ thống trường lớp ở Lào với sự giúp đỡ của Việt Nam như: các trường phổ thông, trung cấp sư phạm, Đại học sư phạm Viêng Chăn đã được xây dựng. Lưu học sinh Lào, chủ yếu là sinh viên đại học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh trên đại học có mặt ở 36 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo một số học sinh phổ thông cho Lào. Riêng "Trường Bổ túc hữu nghị Việt - Lào" thành lập từ năm 1980, có nhiệm vụ đào tạo con em nhân dân các bộ tộc Lào gửi sang học từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học. Năm 1980 – 1981 có 191 học sinh Lào tốt nghiệp cấp III (đạt 100%). Số lượng học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam ở các loại trường kể cả phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh thời kỳ này rất đông, chiếm khoảng 50% số người được gửi ra nước ngoài. Niên khóa 1983 – 1984 có 206 học sinh tốt nghiệp cấp II, III (100%); 1985 – 1986 có gần 200 học sinh tốt nghiệp, trong đó 95% tốt nghiệp cấp III và 70% đạt loại khá, giỏi. Kết quả này là sự nỗ lực cao độ của cả hai phía, đã góp phần thanh toán nạn mù chữ, nâng cao một bước trình độ dân trí, hình thành đội ngũ cán bộ trí thức, đặt nền móng khoa học – kỹ thuật cho sự phát triển của đất nước Lào. Trong 6 năm, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trung bình mỗi năm Việt Nam cử 900 chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sang hợp tác với Lào và đã đào tạo cho Lào 1/2 số cán bộ của Lào được đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1976 đến năm 1985, Việt Nam cử 5.957 chuyên gia các lĩnh vực sang hợp tác với Lào.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng được coi là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Đào tạo cán bộ chủ chốt cho Đảng và Nhà nước Lào ngày càng trở thành một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Việt Nam cử nhiều chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm sang Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Từ năm 1977 – 1989, Trường Nguyễn Ái Quốc X và Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt đã phối hợp cùng các cơ quan của hai nước đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn cho khoảng 1.000 cán bộ trung, cao cấp các ngành tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra, phóng viên, giảng viên Trường Đảng của Lào. Hợp tác giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những thành tựu đặc biệt, không có nơi nào trên thế giới có được, đó là sự tin cậy lẫn nhau, cùng giúp nhau xây dựng, củng cố nhân tố bên trong hết sức cần thiết cho công cuộc bảo và vệ xây dựng của mỗi nước.

CĐ 5: - Những kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt-Lào trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay
NẶNG LÒNG VỚI ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  ( Sưu tầm )
 Sinh ra trên đất mẹ Việt Nam, trưởng thành trên đất bạn Lào, trong câu chuyện ký ức, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Ngọc Phương luôn nhắc tới câu “Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” để nói về tình nghĩa keo sơn giữa hai dân tộc. Tại Lào, ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn và được hai Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Sa La Lợt hạng nhất và Huân chương Ít -xa-la hạng nhất...
Cha mẹ tha hương từ vùng chiêm trũng Hà Nam lên Kép - Bắc Giang, rồi sinh ra ông trong cái đói quay quắt giữa miền núi đồi hẻo lánh. Không chỗ nương thân, cả gia đình phải nương náu tại chùa Kép đến năm ông lên 7 tuổi. Tuổi thơ ông đêm đêm phải ra ga vác củi lên tàu tới tận mờ sáng để có tiền ăn học… Tháng 7/1963, vừa học hết lớp 7, Trần Ngọc Phương viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Quân tình nguyện chiến đấu trên đất bạn Lào.
Ngày 18/5/1964, trong một trận chiến đấu ở Phu Bạ - Thượng Lào, trung đội của ông phải chống cự với cả một lực lượng địch rất lớn gồm một thê đội tăng - thiết giáp và hai tiểu đoàn bộ binh cùng các đơn vị hỏa lực thiện chiến. Khi đồng chí xạ thủ B40 bị thương, chiến sĩ liên lạc Trần Ngọc Phương liền xung phong nhận súng với tinh thần cảm tử, lao thẳng từ trên đồi cao xuống đường để ngăn chặn mấy chục xe tăng - thiết giáp của địch đang gầm thét rung chuyển cả mặt đất. Chưa biết sử dụng súng B40, đạn lại gần hết, trên đồi cao một đồng đội hô lớn: “Phương ơi! Bắn xe trước”. Phương quỳ xuống nổ súng, quả đạn lao thẳng vào chiếc xe tăng đồ sộ chỉ cách khoảng hơn 10m. Hơi lửa của quả đạn đã hất ông ngã nhoài về phía sau. Ngay lập tức, ông lao vào chiếc xe đã bị chết máy, dùng lựu đạn huy hiếp cả tốp lính trong xe phải ra hàng.
Đúng 13 tháng sau ngày nhập ngũ, Trần Ngọc Phương được thưởng Huân chương Quân công hạng ba và được về Hà Nội dự “Đại hội thanh niên thi đua quyết thắng” vào tháng 8/1964. Tại đại hội, ông có may mắn được trực tiếp nghe Bác Hồ nói chuyện, căn dặn về lẽ sống của người thanh niên. Tạm biệt thủ đô trở lại chiến trường, Trần Ngọc Phương tiếp tục cùng đồng đội tham gia chiến dịch Nậm Bạc (Luông Pha Băng) rồi được điều về giữ Phu Cút, một đỉnh núi từng được ví như “Thượng Cam Lĩnh” ở Lào, bị bom đạn địch hạ thấp xuống tới hơn 7m và không còn thứ cỏ cây nào sống sót. Sau nhiều ngày bám trụ kiên cường nơi đây, tháng 7/1966, ông được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, được bình bầu là Chiến sĩ thi đua của đơn vị và đến cuối năm được về dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân lần thứ IV tại Hà Nội. May mắn lại đến với người chiến sĩ trẻ ấy: Lần thứ hai được gặp Bác Hồ, được chụp ảnh cùng Người trước bậc thềm Phủ Chủ tịch. Trong bữa tiệc chào mừng đại hội thành công, ông lại được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng và hỏi chuyện thân mật...
Cựu chiến binh Trần Ngọc Phương kể: “Có lần hành quân đuổi giặc trong rừng sâu, chúng tôi phải ăn nấm tai mèo tươi và măng rừng nấu với nước suối. Rất may sau một tuần như thế chúng tôi gặp được một tốp chị em người Lào Thâng, họ cho gói xôi nếp nương, chúng tôi chia nhau mỗi người chỉ được vài miếng nhưng ai nấy đều thấy ấm lòng. Rồi có đồng chí lấy ra chiếc nồi nhôm làm trống đập lên những tiếng bập bùng, mọi người mời nhau bước nhẹ vòng quanh người gõ nồi theo một điệu phòn (múa) Lăm Vông rất vui vẻ. Tình cảm  Sa-ma-khi (đoàn kết) của hai dân tộc được thể hiện qua cách bà con Lào gọi bộ đội Việt Nam là ải noọng Việt (anh em Việt). Ngoài cái tên Việt Nam do cha mẹ khai sinh ở phố Kép, Trần Ngọc Phương còn có thêm cái tên Lào là Khăm Son, do Thà Hản là người đồng đội Lào yêu mến đặt cho. Khăm Son theo nghĩa tiếng Lào là hướng đến sự tươi thắm, tốt lành...
Bao năm qua đi, anh hùng quân đội Trần Ngọc Phương tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, rất lạc quan, ít ai biết rằng những mảnh đạn đang nằm ở đầu gối, trong phổi ông… vẫn tê buốt mỗi khi trái gió trở trời. Cách đây chưa lâu, ông vào nhập viện vì bị phát hiện ra khối u ở phổi, bác sĩ cũng nghi là ung thư. Kết quả chụp cắt lớp hóa ra đó chỉ là một mảnh kim khí đã bị bao mỡ lại… “Mảnh đạn này có lẽ mình bị bên nước bạn, đầu tiên nó nhỏ thôi nên mình không biết, giờ thì đã nằm yên ở đấy rồi, xem ra nó chả đủ sức gây sự gì thì kệ nó; để nó chung sống với mình thôi. Biết đâu còn mảnh nào khác nữa mà mình không để ý”. Nói rồi ông cười sảng khoái, như thể cơ thể ấy, tinh thần ấy chưa hề bị vướng víu bởi mảnh đạn nào.
Từng học tại Học viện Chính trị năm 1978 rồi về Trung đoàn 196 phụ trách công tác chính trị và tham gia chiến đấu, tuy nhiên, đến năm 1981 do vết thương cũ tái phát, Trần Ngọc Phương phải nằm điều trị suốt thời gian dài tại Viện Quân y. Cuối năm 1983, ông xin nghỉ hưu, trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn đau đáu với tình cảm của những người anh em Lào. Năm 1987, ông cùng anh em thành lập Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào của tỉnh Bắc Giang. Với chức danh Chủ tịch Chi hội hữu nghị Việt - Lào của tỉnh Bắc Giang, ông đã trực tiếp dẫn 4 đoàn cựu chiến binh Quân tình nguyện thăm lại chiến trường xưa. Nhân Năm hữu nghị Việt - Lào 2012, các ông vừa tổ chức một cuộc hành hương về các nghĩa trang liệt sĩ ở Nghệ An, Điện Biên, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng… để thắp hương viếng những đồng đội Quân tình nguyện...
Ông tâm sự: “Mỗi khi có dịp trở lại chiến trường xưa, tôi lại hôn lên mảnh đất đầy kỷ niệm, mảnh đất đã để lại trong tôi xiết bao yêu thương gắn bó. Nhớ lắm đất nước Triệu Voi có hương sắc hoa chăm pa ngào ngạt, có rừng Mắc Kiêng đậm nghĩa tình quân dân và những điệu phòn theo nhịp trống Lăm Vông rộn ràng, mê hoặc...”.
                                                                                     Lữ Thị Mai
                                                                 (www.qdnd.vn - Ngày 22/7/2012)


ĐẾN LÀO ĐỂ THẤY ANH EM  ( Sưu tầm )
Trong chuyến công tác tại Lào, chúng tôi đã may mắn được tiếp kiến Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad. Và từ những câu chuyện của ông, từ những gì tai nghe mắt thấy tại đất nước Triệu Voi đã cho chúng tôi những hình dung cụ thể về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Và chúng tôi cũng thấy được những dấu ấn tích cực mà các doanh nghiệp Việt Nam đã để lại trên đất nước bạn.
Từ bữa tối với Phó Thủ tướng Lào
Chúng tôi có mặt tại Lào để thực hiện dự án làm sách về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào. Trong chương trình có cuộc gặp Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad. Có thể nói, đây là nội dung quan trọng được cả đoàn trông đợi. Và cuộc gặp với ông đã cho chúng tôi cái nhìn toàn cảnh về quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là về hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trên đất Lào.
Đúng 18 giờ, Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad bước vào sảnh khách sạn Vientiane Plaza. Chúng tôi, đoàn cán bộ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân trong những bộ quân phục màu xanh ô liu thẳng thớm đứng ven hành lang dọc cửa vào phòng đón tiếp. Từ xa ông đã cười nói và giơ tay bắt từng người. Bác Đào Tiến, thành viên trong đoàn chúng tôi là một nhân vật đặc biệt trong cuộc gặp, bởi không chỉ tham gia dự án làm sách về tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ông còn là một người bạn chiến đấu của Phó Thủ tướng Somsavat. Hai người lính già ôm chầm lấy nhau trong giây phút hội ngộ.
Cuộc gặp diễn ra thân tình. Đại tá, tiến sĩ Phạm Bá Toàn báo cáo với Phó Thủ tướng Somsavat về ý tưởng thực hiện dự án sách về tình hữu nghị Việt Lào đã được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phê duyệt. Phó Thủ tướng xem đề cương tóm tắt dự án sách. Giọng ông trầm xuống, ông nói rằng, quan hệ Việt - Lào là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt. Ông cắt nghĩa cho chúng tôi hai từ đặc biệt được thể hiện như thế nào, trên những điểm gì… Ông cũng cho biết, việc thực hiện dự án làm sách đoàn kết Việt - Lào đã được Bộ Chính trị Lào đưa vào một trong những hoạt động trọng điểm trong Năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký Hiệp ước Hữu nghị Việt Nam - Lào.
Sau nội dung làm việc chính thức, Phó Thủ tướng Somsavat đã cùng ăn tối với đoàn chúng tôi ngay tại khách sạn Vientiane Plaza. Những kỷ niệm giữa hai người bạn cũ, Phó Thủ tướng và bác Đào Tiến, những ngày cùng hoạt động cách mạng giờ đây mới có dịp ùa về. Câu chuyện phá đập thủy điện khi xưa được Phó Thủ tướng Somsavat kể lại. Khi được giao phá đập thủy điện của giặc Pháp, sau khi trinh sát, nắm tình hình ông bỗng nảy ra ý tưởng, tại sao lại phá nhỉ, ta không xây được cho dân dùng thì để cho nó xây cho dân dùng, đánh làm gì. Thế là ông báo cáo lên trên ý nghĩ của mình, trên cũng thấy phải nhưng khổ nỗi bộ đội đặc công đã triển khai lực lượng, giờ bảo rút không đánh nữa cũng không ổn. Vậy là ông nghĩ ra cách cho bộ đội đánh mấy chiếc xe ủi để anh em có chiến công rồi rút. Khi rút, anh em tính nếu rút hướng đồng bằng thì dễ bị lộ, còn nếu sang sông thì lại sợ địch gọi máy bay đánh. Cuối cùng anh em quyết định rút theo hướng đồng bằng. Sau đó, đúng như dự đoán máy bay địch đánh phá theo hướng bên kia sông. Nhưng có một câu chuyện về vụ rút lui sau trận đánh ấy mà sau này trở lại ông mới được nhân dân cho biết. Đó là khi lực lượng đặc công rút đi, dân thấy có những vết chân để lại bèn lùa trâu bò đi qua đè lên để xóa dấu vết, địch tìm đến trinh sát, không tìm thấy vết chân nên nghĩ lực lượng cách mạng đã rút theo hướng bên kia sông nên mới đổ quân đánh theo hướng này. Vậy là ông và đồng đội đã rút lui an toàn. Cũng chính từ câu chuyện ấy mà Phó Thủ tướng Lào luôn nhắc mình bài học dựa vào dân. Giữa ông và bác Đào Tiến có nhiều kỷ niệm chung khi hai người từng cùng tham gia một kế hoạch đặc biệt nghiên cứu văn hóa, tìm hiểu đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào. Những câu chuyện sinh hoạt đời thường được hai người ôn lại, ngày ấy bác Đào Tiến thường được phân công câu cá, Phó Thủ tướng Somsavat được phân công lấy củi để nấu ăn. Có lần thèm thuốc lá vật vã mà không còn điếu nào, hai người bảo nhau tìm nhặt những tóp thuốc cũ dưới gầm nhà sàn của dân, sau đó lấy lá đùm lại hơ lên lửa để hút lại, nhưng khi rít vào ai cũng ho sặc sụa vì… sặc mùi nước đái trâu, chuyện ấy khiến họ nhớ mãi. Sau sự kiện ấy bác Đào Tiến đã bỏ hẳn thuốc lá. Phó Thủ tướng Somsavat cũng ôn lại những ngày học tập tại Việt Nam, ông đã từng mò trai ven sông Đáy, ăn cơm tẻ Việt Nam và thăm lại bác Đào Tiến tại Hà Nội. Cũng bởi gắn bó với những người bạn Việt Nam cũng như có thời gian học tập tại Việt Nam mà đến bây giờ, khả năng nói tiếng Việt của Phó Thủ tướng Somsatvat không khác gì người Việt.
Những câu chuyện của Phó Thủ tướng Somsatvat có những vấn đề ở tầm vĩ mô về chính trị, về quốc gia nhưng phần nhiều là những câu chuyện đời thường. Ông nói về tính nhất nguyên trong chính thể: “Chẳng hạn nếu như Chủ tịch tỉnh kiêm Bí thư Đảng luôn, như thế tiện, anh ban hành nghị quyết và anh là người thực hiện luôn. Nếu một người ban hành, một người thực hiện thì anh bảo chính sách của anh tốt còn thực hiện dở là lỗi của anh khác”. Phó Thủ tướng Somsavat cũng là người sang Việt Nam khá nhiều lần. Với rất nhiều chức danh khác nhau như Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, Chủ tịch Phân ban hợp tác kinh tế Lào Việt nên ông cũng có mặt tại Việt Nam với nhiều vai trò. Ông bảo Lào dân số ít, quy mô nhỏ hơn nên cũng dễ quản lý hơn. Khi đi dự hội nghị chứng khoán, Ủy ban chứng khoán của Việt Nam đã bày tỏ “chúng tôi nằm trong Bộ Tài chính, Bộ Tài chính lại phải trình lên Chính phủ mới giải quyết được”, nếu được như Lào thì rất tiện. Ông cười rồi giải thích thêm, nước nhỏ có nhiều cái khó khăn nhưng cũng có những cái thuận tiện như thế. Có nhiều lần các địa phương của Việt Nam mời, đích thân Phó Thủ tướng cũng sang dự, sang trực tiếp với tỉnh không câu nệ chuyện tiếp đón tiếp theo nghi thức ngoại giao dành cho một lãnh đạo cao cấp.
Cổ tích trên vùng tam giác trắng
Trong buổi làm việc với chúng tôi, khi nói về các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn trên đất Lào, Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã dành cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai rất nhiều những lời lẽ tốt đẹp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hiệu quả về mặt dân sinh trong các dự án của Hoàng Anh Gia Lai triển khai trên đất Lào tại tỉnh Attapeu. Nói về Chủ tịch tập đoàn, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức mà giới truyền thông Việt Nam vẫn phong cho biệt danh "Bầu” Đức, Phó Thủ tướng Somsavat bảo: “Nhiều doanh nghiệp đến Attapeu rồi đều lắc đầu bỏ đi, vì chê đất xấu không hợp với cây cao su, đến lượt anh Đức đến và bảo để đấy tôi làm. Và làm thật, làm hiệu quả…”. Nghe Phó Thủ tướng Somsavat nói vậy chúng tôi thấy dấy lên trong lòng một niềm tự hào khi những lời có cánh được một vị lãnh đạo cao cấp của Lào dành cho một doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn có cảm giác băn khoăn trước những gì được nghe.
Phong thái giao tiếp gần gũi, Phó Thủ tướng Somsavat dường như xóa nhòa những khoảng cách ngoại giao. Thấy đoàn chúng tôi tỏ ra quan tâm trước những thông tin về Hoàng Anh Gia Lai ông đã gợi ý để đoàn đi Attapeu. Ông hỏi về lịch trình đi của đoàn chúng tôi và rút điện thoại chỉ đạo mọi việc ngay tại chỗ, chỉ định người đặt vé đi Champasak, nói số lượng người, lại dặn bố trí xe chuyển tiếp từ Champasak để đi tiếp 200 km đến vùng dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu thế nào cho thuận lợi, bởi ngay sau khi làm việc tại Attapeu chúng tôi sẽ phải trở lại Vientiane ngay để bay về Hà Nội.
Anh Bounnam, cán bộ của Văn phòng Chính phủ Lào cho biết, khi Hoàng Anh Gia Lai triển khai dự án trồng cây cao su tại tỉnh Attapeu, đích thân Phó Thủ tướng Somsavat cũng đã xuống giải thích cho dân hiểu ý nghĩa của dự án. Khi ấy Hoàng Anh Gia Lai cũng đã triển khai các hoạt động dân sinh rất tích cực. Ngay từ đầu tập đoàn đã xây hàng trăm căn nhà cho người dân ở để thu hút lao động vào các nông trường cao su. Nhà cửa làm xong dân không vào ở vì chê không phù hợp lại phải sửa theo ý dân. Về việc này, Phó Thủ tướng Somsavat cũng đã nói: “Anh Đức sáng kiến làm nhà sàn bê tông, dân đến xem rồi bảo nhà tôi không có nhà vệ sinh bên trong thế này. Toilet làm sạch sẽ đâu vào đấy lại phải tháo dỡ toàn bộ đem ra ngoài vườn dựng. Làm thế dân mới chịu ở”.
Chúng tôi đã có mặt tại Attapeu để “kiểm định” những gì Phó Thủ tướng Somsavat nói. Qua tìm hiểu được biết, hiện tại Hoàng Anh Attapeu đã trồng 22 nghìn héc ta cao su trong tổng số trên 30 nghìn héc ta diện tích được giao tại tỉnh Attapeu, dự kiến trong năm 2012 này sẽ trồng nốt số diện tích còn lại. Đây là một quỹ đất vô cùng quý mà không doanh nghiệp nào có được. Bên cạnh việc phát triển dự án, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư nhiều công trình dân sinh như làm đường xá, xây dựng bệnh viện, trường học khiến bộ mặt Attapeu đã thay đổi hoàn toàn. Nhân dân địa phương đã tin tưởng vào dự án và vào làm công nhân cho các nông trường cao su của doanh nghiệp. Nhờ việc triển khai trồng cây cao su mà hàng nghìn lao động địa phương đã có việc làm và thu nhập ổn định. Anh Phan Thanh Thủ, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Attapeu cho biết, là người phụ trách về kinh tế của Chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Somsavat đã rất quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp trên đất Lào mà Hoàng Anh Attapeu không là một ngoại lệ.
Trên đường trở về Khách sạn Hoàng Anh Attapeu, kết thúc một ngày làm việc, bác Đào Tiến nhìn quang cảnh hai bên đường bồi hồi nhớ lại những ngày hoạt động trên đất bạn. Nhìn ngắm những căn chòi nhỏ dựng trên thảo nguyên bác Tiến bảo: “Ngày xưa chúng tôi ở trên những căn chòi như thế, có rất nhiều căn giống nhau nên phỉ không biết cán bộ cách mạng ở căn nào, có động chúng tôi rút vào rừng rất tiện. Chỉ có điều ngày ấy những căn chòi đơn sơ lắm…”. Trong mắt bác Đào Tiến, Attapeu giờ đây đã thay đổi quá nhiều, đã gần như lột xác để mang một hình hài mới, vóc dáng mới.
Attapeu nằm trong vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, vẫn được ví là vùng tam giác trắng và giờ đây sự có mặt của Hoàng Anh Gia Lai đã khiến cho vùng tam giác trắng có thêm những dòng “vàng trắng” tươi mát chảy quanh năm suốt tháng. Đi giữa những cánh rừng cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cắm rễ trên vùng đá ong mênh mông của Attapeu, đi giữa những khu làng công nhân được xây dựng và quy hoạch ngăn nắp tôi lại nhớ đến cách phiên âm của Phó Thủ tướng Lào về cụm từ viết tắt của Hoàng Anh Gia Lai – “Hoàng Anh Giúp Lào” và hiểu, đó không phải là những lời ngoại giao hoa mỹ.
Những ngày ngắn ngủi ở Lào, chúng tôi đã được đi, được nghe, và được thấy những gì mà các doanh nghiệp Việt Nam mà điển hình là tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã làm được trên đất nước Lào. Và họ, những doanh nhân tiên phong đã góp phần khiến cho quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào thêm bền chặt bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa.
                                                                                    Xuân Thủy
                                                                  (daidoanket.vn - Ngày 19/6/2012)


CĐ 6: - NHững biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung son sắt của hai dân tộc Việt Nam – Lào dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai nhà nước từ khi thiết lập mối quan hệ hợp tác và hữu nghị đến nay.
Từ khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào được thành lập năm 1955, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, mối quan hệ Việt Nam – Lào càng được phát huy mạnh mẽ và biểu hiện hết sức sinh động trên tất cả các lĩnh vực, không ngừng nâng cao theo sự phát triển của phong trào cách mạng của hai nước. Trong những lúc cam go, thống khổ nhất, cán bộ, Đảng viên, quân và dân hai nước vẫn sát cánh bên nhau, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng chung và vì nền độc lập tự do của mỗi nước. Trong giai đoạn hòa bình với nhiều thuận lợi, hai dân tộc cũng không ngừng vun đắp mối quan hệ đoàn kết, thủy chung, son sắt để cùng nhau tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong bài dự thi này, tôi xin nêu một số thành tựu của mối quan hệ đoàn kết, gắn bó thủy chung, son sắt của hai dân tộc dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1977 đến nay.
1. Về quan hệ hợp tác trong lĩnh vực chính trị và đối ngoại:
Mối quan hệ hợp tác về chính trị trong giai đoạn này tập trung vào nỗ lực của hai nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu cùng lựa chọn: tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa mà chưa có tiền lệ lịch sử.
Việc nước Lào tự chủ giải quyết những vấn đề của Lào để ổn định và phát triển như: giữ vững chủ quyền lãnh thổ, duy trì an ninh nội địa, bảo vệ chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, tranh thủ viện trợ nước ngoài, v.v…đã ảnh hưởng tích cực đến sự ổn định và từng bước đi lên của Việt Nam. Điều nổi bật là sự cố gắng tìm tòi học hỏi của các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào về kinh nghiệm và nghiên cứu lý luận của quốc tế để hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề tiến lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Lào. Bản thân đồng chí Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã đọc đi đọc lại tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào công tác xây dựng Đảng ở Lào. Đồng thời, đứng trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, Lào còn trực tiếp phối hợp với Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, chủ động giúp Việt Nam tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ với các nước khác trong khu vực…; trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam về từng bước đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp (trang trại), lưu thông thương mại, v.v... Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường xuyên nhấn mạnh quan điểm lập trường trước sau như một ủng hộ Việt Nam của Lào: Lào vững mạnh, độc lập thì Việt Nam ổn định, phồn vinh.
Về phía Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, mặc dầu phải giải quyết nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh, nhưng luôn nhận thức sâu sắc mối quan hệ tương hỗ của cách mạng hai nước trong giai đoạn mới: “Lào có ổn định thì Việt Nam mới ổn định và ngược lại”. Vì vậy, Việt Nam đã cố gắng đáp ứng các yêu cầu chi viện và hợp tác với Lào một cách toàn diện, theo tinh thần vô tư “không tính thiệt hơn”.
Tại các cuộc hội đàm hàng năm giữa hai Bộ Chính trị, các cuộc gặp gỡ trao đổi khi có việc đột xuất giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể Việt Nam đã góp phần giúp Lào kinh nghiệm về giải quyết các khó khăn, giải tỏa kịp thời các vướng mắc xẩy ra, củng cố niềm tin của Lào về thiện chí của Việt Nam. Và ngược lại, sự chia sẻ của Lào với Việt Nam trên lĩnh vực an ninh chính trị, kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội đã tạo niềm tin và là sức mạnh vô giá, giúp Việt Nam bảo đảm được lợi ích trực tiếp về an ninh và phát triển ở biên giới phía Tây của mình.
Việc giải quyết thành công vấn đề biên giới giữa hai nước là một thành tựu nổi bật của hợp tác chính trị trong giai đoạn này. Để triển khai Hiệp định hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước (18 tháng 7 năm 1977), hai bên thỏa thuận lấy đường biên giới mà Pháp vẽ trên bản đồ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương làm cơ sở đối chiếu, so sánh cho việc phân chia biên giới trên thực địa. Từ ngày 25 tháng 7 năm 1978, ngày cắm mốc đầu tiên đến ngày 24 tháng 8 năm 1984, Việt Nam cùng với Lào đã cơ bản hoàn thành hệ thống quốc mốc. Sau 8 năm tiến hành, đến ngày 24 tháng 1 năm 1986, việc phân vạch và cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới Việt - Lào dài 2.067 km đã hoàn thành. Việc phân định chính thức đường biên giới quốc gia giữa hai nước thể hiện nguyên tắc trong quan hệ hai nước: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như lợi ích chính đáng của mỗi bên, phù hợp với luật pháp quốc tế và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước muốn có một đường biên giới hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài.
Trong hợp tác đối ngoại, theo tinh thần của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí phối hợp chặt chẽ về đường lối hoạt động đối ngoại, phát huy hiệu quả công tác đối ngoại mỗi nước và sức mạnh của ba nước Đông Dương trên trường quốc tế, góp phần làm cho môi trường an ninh chính trị Đông Nam Á đi dần vào ổn định, thể hiện thiện chí của các nước Đông Dương xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trên đất nước Lào lúc này, tình hình kinh tế – xã hội đang dần đi vào ổn định, độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự xã hội được giữ vững; chế độ dân chủ nhân dân được bảo vệ. Tuy nhiên, Lào vẫn phải đối phó với chính sách thù địch của lực lượng phản động ở Thái Lan không ngừng dùng sức ép chính trị, kinh tế, quân sự đòi sửa đổi lại đường biên giới…
Trong bối cảnh đó, một sự kiện quan trọng đã diễn ra trong đời sống chính trị hai nước. Đó là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 3 năm 1982) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (tháng 4 năm 1982). Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương hai Đảng đều khẳng định sự tất yếu khách quan phải tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt, hữu nghị hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong hai ngày 22 và 23 tháng 2 năm 1983, Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, tập trung thảo luận về tình hình ba nước Đông Dương, tình hình quốc tế và khu vực; đề ra những nguyên tắc, phương hướng, biện pháp nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa ba nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của mỗi nước, tạo nhân tố quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và thế giới; vấn đề quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Hội nghị đã nhất trí đề ra 4 nguyên tắc chỉ đạo mối quan hệ giữa ba nước, trong đó nhấn mạnh quan hệ giữa ba nước sẽ được giải quyết bằng thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, với tinh thần hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi nước và vì lợi ích chung của ba dân tộc, trên tinh thần hữu nghị anh em, hoàn toàn tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi.
Tiếp đó, tại Tuyên bố chung Việt Nam - Lào năm 1985, một lần nữa khẳng định quyết tâm của hai bên củng cố hơn nữa tình hữu nghị vĩ đại và tình đoàn kết chiến đấu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước đã dày công vun đắp; tăng cường sự hợp tác toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; tích cực thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước và những thỏa thuận của Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương. Tuyên bố chung cũng thể hiện nguyện vọng của nhân dân ba nước Đông Dương và ASEAN cùng nhau giải quyết những vấn đề khu vực bằng đàm phán trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
2. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
Trên nền tảng quan hệ chặt chẽ về chính trị giữa hai nước, những năm 1976 – 1985, hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng đi vào chiều sâu theo tinh thần đoàn kết liên minh chiến đấu, phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực vào việc bảo đảm củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định xây dựng của mỗi đất nước.
Do tình hình phức tạp trong nước và khu vực, trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ của Lào, tháng 12 năm 1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra quyết nghị: tiếp tục đề nghị Việt Nam đưa lực lượng quân đội sang hỗ trợ quân đội Lào nhằm ổn định tình hình, ngăn ngừa các nguy cơ chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Trung tuần tháng 9 năm 1977, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào do đồng chí Khăm Tày Xiphănđon, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chỉ huy tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Lào sang thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam, hai bên đã ký Hiệp ước phòng thủngày 22 tháng 9 năm 1977.
Ngày 28 tháng 6 năm 1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Sắc lệnh thành lập Binh đoàn 678 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Binh đoàn 678 do Trung tướng Trần Văn Quang làm tư lệnh kiêm chính ủy, gồm ba sư đoàn bộ binh (324, 968, 337), một số phân đội binh chủng làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Binh đoàn 678 có nhiệm vụ cùng Lào xây dựng nền kinh tế và nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong cả nước Lào, tăng cường và bảo vệ khối liên minh Việt – Lào, không ngừng củng cố và phát triển tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc.
Trong hơn một năm (tháng 8 năm 1977 đến ngày 13 tháng 11 năm 1978) hoạt động phối hợp giữa lực lượng quân sự Lào với Sư đoàn bộ binh 324 là đợt hoạt động giành thắng lợi lớn nhất kể từ sau năm 1975, thể hiện tính hiệp đồng tác chiến cao và chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang hai nước trên các địa bàn xung yếu, đập tan các âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của Mỹ và các thế lực thù địch, thu hồi lại nhiều địa bàn quan trọng ở vùng rừng núi của Lào, nhất là ở các tỉnh: Xiêng Khoảng, Bolikhămxay, Luổng Phạbang, Viêng Chăn, khu vực biên giới giáp một số tỉnh miền Trung Việt Nam (Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…), bảo đảm được an ninh trên các trục đường giao thông chiến lược như các đường 7, 9, 13… Đặc biệt, sự kiện tháng 5 năm 1985, Quân khu 4 Việt Nam đã sử dụng tiểu đoàn 31 đặc công quân khu và một số đơn vị bộ binh cùng các đơn vị vũ trang Lào phá tan sào huyệt phỉ lớn nhất ở Buôm Lọng, góp phần ổn định tình hình an ninh của Lào.
Bên cạnh việc phối hợp phòng thủ có hiệu quả, vì lợi ích của cả hai nước, Việt Nam và Lào còn đẩy mạnh hợp tác về đào tạo quân sự. Chỉ tính riêng trong năm 1984, Bộ quốc phòng Việt Nam đã cùng Lào đào tạo được 407 cán bộ, 1.381 cán bộ và nhân viên kỹ thuật tại 28 trường; 32 chuyên gia thường trú ở cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có công tác quân sự địa phương, 350 chuyên gia kỹ thuật về các xí nghiệp quốc phòng và các nông trường... Quân khu 4 Việt Nam đã hỗ trợ phía Lào thực hiện nhiệm vụ mở cửa ra hướng đông. Từ đó, các đơn vị kinh tế thuộc Quân đội nhân dân Lào đã có bước trưởng thành và phát triển nhanh chóng. Công ty Phát triển miền núi Bộ Quốc phòng Lào từ chỗ gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, kỹ thuật đã vươn lên làm chủ tình hình, đưa Lắc Xao (Khăm Muộn) từ một vùng rừng núi hẻo lánh trở thành một trung tâm có nhiều xưởng máy, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Lào nói chung và Quân đội nhân dân Lào nói riêng, ngày 18 tháng 12 năm 1984, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Xuphanuvông đã ký quyết định tặng Huân chương Vàng quốc gia, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Lào cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên lĩnh vực hợp tác an ninh, thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Lào - Việt Nam, Bộ Nội vụ Lào đã ký Hiệp định hợp tác toàn diệnvới Bộ Nội vụ Việt Nam. Nội dung của Hiệp định cho phép lực lượng an ninh của hai nước, ở cả Trung ương và các địa phương quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, trao đổi các đoàn đại biểu, các đoàn cán bộ lão thành...
Ngày 25 tháng 12 năm 1985, Trường Trung cấp An ninh Lào được thành lập, có nhiệm vụ tự đào tạo lực lượng an ninh Lào. Trong quá trình trên, Trường Đại học An ninh và Trường Đại học Công an Nhân dân của Việt Nam đã cử nhiều cán bộ, giảng viên sang Lào chuyển giao kiến thức cho cán bộ, học viên Lào. Nhờ đó, hàng năm Lào đã đào tạo được một lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ làm công tác an ninh, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Lào. Thực tế cho thấy an ninh quốc phòng của hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau như thế nào, Việt Nam có ổn định thì Lào mới có ổn định và ngược lại, Lào có ổn định thì Việt Nam cũng mới có ổn định. Cũng như vậy, Việt Nam có phát triển thì Lào mới mạnh lên được và ngược lại Lào có phát triển thì Việt Nam cũng mới mạnh lên được. Điều đó có nghĩa là Việt Nam và Lào phải cùng ổn định và phải cùng vững mạnh, đó là một quy luật được chứng minh từ sự phát triển của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam hơn 70 năm qua.
3. Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật;
Đây là giai đoạn Lào từng bước thử nghiệm cơ chế quản lý kinh tế mới ở một số cơ sở quốc doanh, chuyển từ nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên sang kinh tế sản xuất hàng hoá, khuyến khích sản xuất, lưu thông, xây dựng kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Việt Nam cũng đang trong quá trình từng bước nghiên cứu, khảo nghiệm để đổi mới cơ chế quản lý từ quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; thực hiện khoán trong nông nghiệp; giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp công nghiệp... nhằm giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tiếp tục tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của dân tộc Việt Nam và xu thế chung của thế giới.
Ngay từ năm 1983, khi tình hình chính trị, kinh tế - xã hội hai nước bước đầu ổn định, công cuộc khôi phục kinh tế căn bản hoàn thành, hai nước chuyển sang nhiệm vụ trọng tâm là phát triển sản xuất và kinh tế. Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi: từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi. Thời gian này, Lào đề ra công thức hợp tác: Tài nguyên Lào, lao động kỹ thuật Việt Nam, vốn hợp tác hoặc vay của nước thứ ba. Trong hợp tác đã chuyển dần từ hợp tác từng vụ việc theo yêu cầu của Đảng và Nhà nước Lào sang hợp tác theo chương trình, kế hoạch được ký kết giữa hai Chính phủ. Đồng thời, hai bên giúp nhau phát huy khả năng và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước để giải quyết những nhu cầu cấp bách về đời sống và sản xuất. Đây là những định hướng phù hợp với điều kiện hai nước trong những năm đầu chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế.
Quan hệ hợp tác thương mại: Trước năm 1975, Việt Nam và Lào có hiệp định trao đổi thương mại nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định một số nguyên tắc, thể lệ và danh mục chung, không quy định kim ngạch. Trao đổi chủ yếu diễn ra giữa các địa phương và các tỉnh của Việt Nam với vùng giải phóng Lào. Từ 1976 – 1981, trao đổi hàng hoá chính ngạch được bắt đầu theo phương thức bao cấp bằng ngân sách nhà nước mỗi bên. Từ năm 1981 –1985, kim ngạch tăng nhanh hơn do Thái Lan bao vây cấm vận Lào 273 mặt hàng, nên Lào chuyển hướng sang phía Đông. Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào 5 năm (1981 – 1985) được ký kết, kèm theo nghị định thư thương mại hàng năm, đã tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi buôn bán giữa hai nước... Ngoài ra, Việt Nam còn hỗ trợ Lào sử dụng các nguồn viện trợ chủ yếu từ các nước xã hội chủ nghĩa và các tổ chức quốc tế. Từ năm 1976 đến 1985, các nước và các tổ chức này đã viện trợ không hoàn lại cho Lào 547,89 triệu rúp, 126,57 triệu USD và cho vay 594,583 triệu rúp.
Trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đã từng bước thay đổi cả nội dung và phương thức hợp tác cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giai đoạn này cơ bản dựa trên cơ sở tinh thần quốc tế vô sản, với phương thức chủ yếu là viện trợ và cho vay theo cơ chế tập trung bao cấp, chưa tương xứng với yêu cầu của nhân dân hai nước và tầm cao của quan hệ chính trị giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam và Lào.
Trong lĩnh vực hợp tác văn hóa, Việt Nam và Lào đều nhận thức sâu sắc ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thân của công việc này đối với cả hai bên. Việc quan trọng hàng đầu là hai nước hợp tác quảng bá cuộc sống mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc cũng như truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi nước. Hàng năm, hai bên thường xuyên lập kế hoạch giao lưu văn hoá nghệ thuật dưới các hình thức: trao đổi đoàn biểu diễn, tổ chức sáng tác mỹ thuật, tìm hiểu về chủ đề đất nước và con người, hợp tác xuất bản, in và phát hành sách báo, văn hoá phẩm, phim ảnh. Hai nước còn giúp nhau cung cấp một số thiết bị chuyên dụng về in, điện ảnh, sân khấu, phát thanh, truyền hình, đồng thời phối hợp tuyên truyền giáo dục nhân dân hai nước về mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào, Lào – Việt, cũng như phối hợp tuyên truyền, tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn, qua đó tăng cường hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân hai nước.
            Hợp tác giáo dục và đào tạo là nội dung quan trọng có tính chiến lược vì lợi ích lâu dài của hai nước và là lĩnh vực hợp tác thành công nhất trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục thời kỳ này của hai nước thể hiện tinh thần giúp đỡ lẫn nhau nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của những năm mới giải phóng. Hàng năm, Bộ Giáo dục hai nước đều ký kết các văn bản hợp tác và Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục của ba nước Lào, Campuchia, Việt Nam được tổ chức lần lượt tại Hà Nội và Viêng Chăn. Hàng loạt hệ thống trường lớp ở Lào với sự giúp đỡ của Việt Nam như: các trường phổ thông, trung cấp sư phạm, Đại học sư phạm Viêng Chăn đã được xây dựng. Lưu học sinh Lào, chủ yếu là sinh viên đại học, thực tập sinh, nghiên cứu sinh trên đại học có mặt ở 36 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục đào tạo một số học sinh phổ thông cho Lào. Riêng "Trường Bổ túc hữu nghị Việt - Lào" thành lập từ năm 1980, có nhiệm vụ đào tạo con em nhân dân các bộ tộc Lào gửi sang học từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học. Năm 1980 – 1981 có 191 học sinh Lào tốt nghiệp cấp III (đạt 100%). Số lượng học sinh Lào được đào tạo tại Việt Nam ở các loại trường kể cả phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, an ninh thời kỳ này rất đông, chiếm khoảng 50% số người được gửi ra nước ngoài. Niên khóa 1983 – 1984 có 206 học sinh tốt nghiệp cấp II, III (100%); 1985 – 1986 có gần 200 học sinh tốt nghiệp, trong đó 95% tốt nghiệp cấp III và 70% đạt loại khá, giỏi. Kết quả này là sự nỗ lực cao độ của cả hai phía, đã góp phần thanh toán nạn mù chữ, nâng cao một bước trình độ dân trí, hình thành đội ngũ cán bộ trí thức, đặt nền móng khoa học – kỹ thuật cho sự phát triển của đất nước Lào. Trong 6 năm, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, trung bình mỗi năm Việt Nam cử 900 chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sang hợp tác với Lào và đã đào tạo cho Lào 1/2 số cán bộ của Lào được đào tạo ở nước ngoài. Từ năm 1976 đến năm 1985, Việt Nam cử 5.957 chuyên gia các lĩnh vực sang hợp tác với Lào.
            Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị của Đảng được coi là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản thường xuyên của Đảng, Nhà nước của cả hai nước. Đào tạo cán bộ chủ chốt cho Đảng và Nhà nước Lào ngày càng trở thành một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Việt Nam cử nhiều chuyên gia đầu ngành, có kinh nghiệm sang Lào xây dựng chương trình giảng dạy cho Trường Đảng cao cấp của Đảng và Nhà nước Lào. Từ năm 1977 – 1989, Trường Nguyễn Ái Quốc X và Trường Nguyễn Ái Quốc đặc biệt đã phối hợp cùng các cơ quan của hai nước đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn cho khoảng 1.000 cán bộ trung, cao cấp các ngành tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra, phóng viên, giảng viên Trường Đảng của Lào. Hợp tác giáo dục – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong những thành tựu đặc biệt, không có nơi nào trên thế giới có được, đó là sự tin cậy lẫn nhau, cùng giúp nhau xây dựng, củng cố nhân tố bên trong hết sức cần thiết cho công cuộc bảo và vệ xây dựng của mỗi nước.
4. Về hợp tác giữa các địa phương và ngoại giao nhân dân.
Đi đôi với mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, còn có mối quan hệ kết nghĩa giữa toàn bộ các tỉnh có chung đường biên giới cũng như các tỉnh không có chung biên giới giữa hai nước với nhau như: Hà Nội – Viêng Chăn, Hà Nam Ninh – Uđômxay, Vĩnh Phúc – Luổng Nặm Thà, Hà Sơn Bình – Luổng Phạbang… Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ về trao đổi đoàn tham quan, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cũng như cùng tháo gỡ những khó khăn giữa hai nước. Các Hội hữu nghị Việt – Lào, Lào – Việt đã tổ chức thu thập, lưu trữ giữ gìn kỷ niệm, kỷ vật công tác, chiến đấu liên quan đến quan hệ Việt – Lào, Lào – Việt; động viên việc viết sách, báo và tuyên truyền giáo dục về quan hệ Việt – Lào, Lào – Việt. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã có nhiều đóng góp đáng kể trong vai trò làm cầu nối quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Uỷ ban Trung ương Mặt trận, Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị của hai nước gồm đại diện của các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và đại diện các địa phương, phát triển chi hội hữu nghị đến tận cấp huyện hoặc cơ sở.
            Với những thành tựu to lớn đạt được sau chặng đường 10 năm (1976 –1985), thế và lực của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày càng được củng cố vững chắc. Đây là lúc Việt Nam lần lượt rút hết chuyên gia thường trú, chuyển sang chuyên gia vụ, việc ngắn hạn. Sự kiện này chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của Lào và hiệu quả của những năm đầu thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào. Sự trưởng thành về mọi mặt của Lào đã thể hiện sự tin cậy lẫn nhau giữa Lào và Việt Nam và hiệu quả của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, không những giúp nhau bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ mỗi nước trong những năm đầu mới giải phóng mà còn giữ vững được chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, từng bước duy trì ổn định đời sống nhân dân, tìm tòi con đường xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, không lệ thuộc nước ngoài. Đây cũng chính là cơ sở vững chắc để quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam không ngừng được củng cố và tăng cường trong giai đoạn đổi mới tiếp theo.






CĐ 7: -Những kinh nghiệm quý báu về việc gìn giữ, củng cố, phát huy truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào
Với trách nhiệm cao đối với cách mạng Đông Dương và năng lực sáng tạo lý luận cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất những quan điểm cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, Campuchia, Lào, bao hàm cả nội dung quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đó là cách mạng của các dân tộc ở Đông Dương được tiến hành theo quan điểm cách mạng triệt để, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.Sức mạnh tạo nên thắng lợi của sự nghiệp đó là khối đại đoàn kết nhân dân Đông Dương và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Người nhấn mạnh, phải hết sức tôn trọng nguyên tắc "dân tộc tự quyết", quyền độc lập, tự do của các dân tộc ở Đông Dương. Và phải coi việc Việt Nam giúp cách mạng Lào là thực hiện nghĩa vụ quốc tế, hơn thế nữa đó là giúp bạn là mình tự giúp mình.Hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam, Lào coi đó là nền tảng tư tưởng và phương pháp ứng xử của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Những quan điểm trên thể hiện rõ ràng, đúng đắn nguyên tắc dân tộc tự quyết và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, biến những hy sinh cao cả mà hai bên dành cho nhau như là lẽ sống bình dị. Tư duy và hành động đó càng có ý nghĩa khi ngày nay trên thế giới xuất hiện xu thế hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển, nhưng vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh dân tộc, chiến tranh cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh kinh tế rất phức tạp.               
            *- Xác định nội dung, phương thức xây dựng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là cơ sở thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do hai bên xác lập.
            Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc và phương pháp tiến hành liên minh, hợp tác giữa hai dân tộc, hai bên cùng ra sức thực hiện các nhiệm vụ cách mạng do lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Lào đề ra với sự cố gắng cao nhất của mình và thu được nhiều thắng lợi rực rỡ. Tại cuộc Hội đàm giữa đại diện hai Trung ương Đảng năm 1971,đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “ tuy Việt Nam có khó khăn nhưng đã không tiếc gì vớiLào, chính cái đó đã góp phần tăng cường đoàn kết giữa hai Đảng. Đây là quan hệ đặc biệt trên thế giới không đâu có”. Cảm ơn và đáp lại lời nói chân tình đó của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Nhân dân Việt Nam hy sinh xương máu cho cách mạng Lào, nhân dân Lào cũng hy sinh tính mạng và của cải để giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Hai Đảng, hai dân tộc chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, nếu chỉ thấy sự giúp đỡ của một bên là không đúng. Đảng chúng tôi luôn luôn giáodục cho cán bộ, đảng viên Việt Nam hiểu rõ điều đó”.
Trong những năm tháng cùng nhau hoạt động, cán bộ và nhân dân Việt Nam, Lào luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục tập quán của nhau, tin yêu giúp đỡ nhau; thật lòng tự phê bình, phê bình để cùng tiến bộ và phát triển nội lực của mỗi bên… Do vậy, những thành quả cách mạng của hai nước cũng in đậm giá trị cách mạng và nhân văn của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, không chỉ cho hiện tại mà cần bảo vệ, phát huy cao hơn nữa trong tương lai   
            *- Tình cảm cách mạng thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào là một nhân tố trọng yếu tạo nên độ bền vững và phát triển của mối quan hệ Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam
            Hiện thực lịch sử cho thấy độ bền vững và phát triển của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam chịu tác động quan trọng và trực tiếp của tình cảm thủy chung, trong sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Tình cảm đó bắt nguồn từ đạo đức cách mạng của đảng viên, từ phẩm chất trong sạch, và năng lực tương xứng với nhiệm vụ của người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào cần giữ gìn và phấn đấu thực hiện như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn
            Trong môi trường hoạt động hiện nay của đảng viên, có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy cám dỗ tiêu cực. Tất cả đều đòi hỏi ở sự tự giác của mỗi đảng viên và sự giáo dục, kiểm tra của tổ chức Đảng, gắn liền với việc giữ vững các nguyên tắc xây dựng Đảng và nâng cao bản lĩnh, năng lực lãnh đạo của Đảng; đồng thời cần nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vì lợi ích quốc gia và quốc tế.
            *- Khai thác, phát huy các nhân tố, điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam
Việt Nam và Lào sống bên nhau tại hai triền Đông và Tây Trường Sơn hùng vĩ, rất thuận lợi cho sự phát triển phong phú của động vật, thực vật lại được bổ sung bởi nhiều hang động, rừng nguyên sinh kỳ thú, thuận lợi cho du lịch. Nơi đây có nhiều sông suối chảy dốc từ núi cao đổ xuống, tạo lợi thế cho khai thác thủy điện. Trường Sơn còn là một tường thành vững chắc cho quân dân hai nước nương tựa nhau chống giặc ngoại xâm.Về kinh tế, hai nước có thể bổ sung cho nhau thế lợi về biển cả của Việt Nam, đường bộ của Lào đi sâu vào lục địa châu Á, cùng các nguồn tài nguyên phong phú do mỗi nước quản lý.
            Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục đào tạo nhân lực, nhân tài.

            CĐ 8: - Tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam trong lịch sử của hai dân tộc và trên những chặng đường phát triển mới.
Vào ngày 5-9-1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ mới cho việc phát triển mối quan hệ gắn bó keo sơn Việt-Lào.
Từ đó, trên chặng đường lịch sử mới, nhân dân hai nước Việt-Lào luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, kề vai sát cánh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi đất nước.
Tiếp đó, vào ngày 18-7-1977, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào đã được hai nước ký kết nhằm tạo cơ sở chính trị và pháp lý cho quá trình thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
“Hiệp ước chính là biểu tượng sinh động của việc tăng cường tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện, đánh dấu sự kiện trọng đại trong lịch sử quan hệ, là mốc phát triển mới trong quan hệ anh em, gắn bó giữa hai nước, là động lực mới khơi dậy những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của mỗi nước”,
Cùng với những thành quả phát triển đáng tự hào ở mỗi nước, việc thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong thời gian qua ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Việt Nam và Lào coi đây là quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhận thức sâu sắc rằng, sự phát triển hợp tác toàn diện với các địa phương Lào có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng hai nước.
 Hiện nay, Việt Nam và Lào đang bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nhân dân hai nước đang tích cực cùng nhau phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam, đất nước Lào giàu mạnh.
Trải qua thời gian, nhiều thứ sẽ thay đổi, nhưng tình bạn đặc biệt, gắn bó giữa Việt Nam và Lào sẽ trường tồn.Hy vọng rằng trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của cha anh, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ vốn đã có một nền móng vững chắc, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.
Thế hệ trẻ cùng phát triển quan hệ đặc biệt
Quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt, trong sáng, mẫu mực và thủy chung được hai Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxon Phomvihan xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tôi luyện trong thực tiễn bảo vệ và xây dựng đất nước của hai nước trong suốt 55 năm qua, tạo nên nguồn sức mạnh, là tài sản vô giá; đồng thời là nhân tố bảo đảm thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của hai nước.Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước sẽ tiếp tục vun đắp mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới. Nhất là thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống hợp tác quý báu, quan hệ thủy chung son sắt của hai Đảng, hai dân tộc để cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước ngày càng trân trọng, giữ gìn và phát triển quan hệ đặc biệt hiếm có trên thế giới như quan hệ Việt Nam-Lào anh em.
Thế hệ trẻ hai nước hôm nay nguyện ra sức học tập, lao động và phấn đấu để đưa mối quan hệ Việt Nam-Lào phát triển đời đời bền vững như mong muốn của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

CĐ 9: - Những cảm nhận về nền văn hóa, về đất nước và con người Lào.
 Nền văn hoá Lào:
Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Được mệnh danh là “Miền đất Triệu voi”- Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa, người dân Lào đã hấp thụ những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo.
Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo. Đạo Phật đã ăn sâu vào tư tưởng của người Lào, ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, tạo nên một dân tộc Lào rất riêng.
Văn hóa Lào là xứ sở của Phật giáo tiểu thừa, 90% dân số theo đạo Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào trong triều vua Dvaravati vào thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới, chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là chất keo cộng đồng gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau- chất keo văn hoá Phật giáo. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào. Lễ hội gắn với chùa chiền, chùa chiền gắn liền với làng bản, là nơi để mọi người gặp gỡ, vui chơi, ăn diện và múa hát. Lễ hội cũng là biểu hiện của văn hoá tâm linh phật giáo từ, bi, hỉ, xả đã ăn sâu vào máu thịt bao đời người dân các bộ tộc Lào, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá Lào trường tồn, lung linh mà quyến rũ.
Lào là đất nước của bốn mùa lễ hội. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương LịchTết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H'mong (tháng 12). Ngoài ra còn các lễ hội: Bun PhaVet ( Phật hóa thân) vào tháng 1 ; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suanghua (đua thuyền) vào tháng 10. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước.Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới), hay còn gọi là Tết té nước diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 4 hàng năm. Vì đạo phật ở Lào có tự lâu đời phát triển mạnh trở thành quốc đạo, các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào. Trong những ngày lễ hội vui chơi là chủ yếu, tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh trọng hơn ngày thường, đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, nhất là chàng trai, cô gái với đủ áo váy màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm phật. Xong lễ tắm phật mọi nhà làm lễ buộc cổ chỉ tay cho những người thân trong nhà, tục lễ này gọi là ( pục khén ) hay còn gọi là (xù khoắn) lễ gọi hồn vía. Nhân dịp đầu năm con cháu chúc ông bà, cha mẹ, bạn bè, người thân gặp may mắn hạnh phúc. Cũng vì lẽ đó, lễ mừng năm mới còn gọi lễ té nước (gọi là Bun hốt nậm), trong những ngày lễ, thanh niên nam, nữ thường té nước cho nhau vừa chúc mừng nhưng cũng vừa để tỏ tình. Bun hốt nậm còn có ý nghĩa về chuyện chuyển năm và cũng là chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa; sau những tháng ngày hanh khô, những cơn mưa rào ập đến mang nước mát tưới cho núi rừng, cỏ cây, ruộng đồng, màu xanh tươi mát của chồi non vụt nhú lên báo hiệu một mùa làm ruộng, rẫy mới. Người dân té nước để cầu may, cầu bình yên cho cả năm, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Trong những ngày này, mọi người thăm viếng chúc tụng lẫn nhau, ăn uống vui chơi, múa hát cầu mong quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người ấm no… Với người Lào, những phong tục trong lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc cho cuộc sống, là dịp để nuôi dưỡng và hun đúc nghệ thuật dân tộc.
Âm nhạc của Lào ảnh hưởng lớn của các nhạc cụ dân tộc như khèn (một dạng của ống tre. Một dàn nhạc điển hình bao gồm người thổi khèn cùng với biểu diễn múa bởi nghệ sĩ khác. Múa Lăm vông (Lam saravane) là thể loại phổ biến nhất của âm nhạc Lào, những người Lào ở Thái Lan đã phát triển và phổ biến rộng rãi trên thế giới gọi là mor lam sing.. Khi được mời cùng múa Lăm Vông với người khác giới, hai người đi song song nhưng không va chạm vào người phụ nữ.
Chăm pa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào. Mang đậm một bản sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa chăm pa phản ảnh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hoà, gìn giữ và chất phác, thật thà. Ngoài cái đẹp bản sắc riêng của dân tộc Lào,  hoa chăm pa có 5 cánh hoa xoè ra thể hiện sự đoàn kết muốn hợp tác vươn tới 5 nước láng giềng với thể ứng xử cởi mở, cân bằng, mềm mại, hoà đồng bên ngoài, thống nhất ở bên trong. Ở Lào hoa chăm pa có nhiều loại và mọc khắp nơi. Người dân Lào thường trồng hoa chăm pa để tô điểm cho vẻ đẹp thanh bình êm ả của đất nước và sống động hơn trong không khí hội hè. Đến với đất nước Lào (Triệu Voi) là đến thăm đất nước hoa chăm pa xinh đẹp. Hạnh phúc biết bao khi được các cô gái choàng lên cổ vòng hoa chăm pa, buộc vào cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc lành, đam mê không muốn dứt trong những điệu múa Lăm vông dưới bóng cây chăm pa.
Văn hoá Lào như một dòng chảy ngọt ngào đời này qua đời khác, hun đúc nên tâm hồn, cốt cách, và văn hoá của người Lào. Qua thời gian năm tháng được kết tinh ở những phong tục văn hoá đẹp đẽ như Tết Té nước để giải trừ mọi lo âu phiền muộn; Buộc chỉ cổ tay chúc phúc người thân, chúc phúc khách quý, bạn bè… đó là mỹ tục rất đẹp đẽ, độc đáo và hiếm có; và hoà cùng với tiếng chiêng, tiếng khèn, điệu Lăm vông mềm mại uyển chuyển làm say đắm lòng người, như mời gọi, như níu giữ bước chân du khách đã đặt chân đến đất nước Lào là không muốn rời xa, là dẫu chỉ một lần mà lưu luyến mãi.
Các nước đạo Phật phát triển trở thành quốc giáo thì phong tục tập quán cơ bản giống nhau. Con người Lào lịch sự, lễ phép,  không thoa đầu mọi người kể cả trẻ em, không bá vai, bá cổ. Người Lào gặp nhau, người dưới chắp tay chào người trên; trẻ em chắp tay chào người lớn, không bao giờ họ lớn tiếng cãi nhau. Khi chào hoặc khi đáp từ kể cả thành tiếng hoặc không thành tiếng người ta thường dùng các cử chỉ như: thông thường hai tay chắp lại với nhau giơ lên ngang ngực, đầu hơi cúi xuống, nếu tỏ ý kính trọng đối với người lớn tuổi hoặc cấp trên thì giơ ngang mặt.
            Có cuộc sống yên ả, thanh bình và thơ mộng, người Lào thật thà, chất phác, hiền hoà, dễ mến, trọng danh dự. Tính cách ấy biểu hiện rõ trên ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và dáng điệu của mỗi con người. Trong gia đình họ chung sống hoà thuận, và đặc biệt họ rất quý trọng tình bạn, quý trọng chữ tín. Chuyện vợ chồng ly hôn cũng rất ít khi xảy ra, vì nó bắt nguồn từ những phong tục thuần hậu truyền đời. Nếu như với người phụ nữ ViệtNamlà “tam tòng tứ đức”, thì người phụ nữ Lào là “hươn xảm nậm xi” (ba nhà bốn nước) được giáo dục từ hồi còn tấm bé. Đây cũng là nét văn hoá, phong tục đặc sắc của người Lào.
Người Lào rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Lào. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán” (Vầu thực khọ, khỏ kin cò bò thi (bò khỉ thi), vầu bò thực khọ khỏ xừ cò bò khải).  Người Việt còn lưu lại trong thư tịch cổ: “người Lào thuần hậu chất phác”, trong giao dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác”. Đó cũng là tình cảm bình dị,chân thành mà người dân nước Việt giành cho người người dân láng giềng của mình.
Phong tục ăn mặc ở Lào, phụ nữ phải mặc “Phaa sin”, một kiểu váy dài có các mảng hoa văn đặc trưng, mặc dù nhóm các bộ tộc thường có trang phục riêng của họ.  Đàn ông thì mặc “phaa biang sash” vào những dịp lễ hội. Ngày nay phụ nữ thường mặc trang phục kiểu phương Tây, nhưng “phaa sin” vẫn là trang phục bắt buộc.
Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hoá, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hoá thế giới), chùa Vạtxixun (Luông pha băng), Núi phú Xỉ, Cánh Đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, Hang Thẳm tình.v.v.
Là một vùng đất có lịch sử lâu đời nhưng trải qua các cuộc chiến tranh với người Miến Điện, Trung Hoa và đặc biệt với đế quốc Xiêm nên nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo bị tàn phá. Nhiều di tích hiện nay đã được xây dựng lại trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 còn nét cổ kính, uy nghi. 
Viên Chăn - tên gọi của thành phố bắt nguồn từ tiếng Pali, có nghĩa là “thành phố của gỗ đàn hương” – một loại cây quý trong kinh điển Ấn Độ. Theo tiếng Lào - Wiang Jan có nghĩa là “thành phố của mặt trăng”. Thành phố nằm dọc theo bờ sông Mekong, có lẽ vì thế mà có một môi trường sống rất dễ chịu, thoáng đãng. Khi người Pháp cai trị, họ quy hoạch hệ thống đường, xây dựng các biệt thự, công trình mang phong cách Pháp. Con đường lớn nhất xuyên giữa lòng thành phố là Đại lộ Lan Xang (Lan Xang có nghĩa là Triệu voi) - được ví như Đại lộ Champs Elysées ở Paris (Pháp).
Cuối Đại lộ Lan Xang là Patuxay Gate- biểu tượng chiến thắng của người Lào được xây dựng vào năm 1962. Công trình này dùng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào. Patuxay Gate có nhiều tên gọi khác: “đường băng thẳng đứng” hay “Champs Elysées của phương Đông”... Patuxay Gate trước đây được biết đến là tượng đài Anousavary. Hình thức bên ngoài Patuxay Gate có phần nào đó giống với khải hoàn môn ở Paris, tuy nhiên, vẫn nở rộ nét đặc sắc của nhân dân Lào: những hình tượng trang trí Kinari – nửa người phụ nữ và nửa chim, những phù điêu mô tả trường ca Rama và các tháp mang đậm phong cách của người Lào. Từ trên cao, Thủ đô Viêng Chăn hiện ra trước mắt du khách không gian bao la và trải rộng vươn ra mọi hướng. Patuxay Gate lại kết hợp hài hòa trong không gian quảng trường rộng lớn. Mỗi khi chiều về là lúc người dân Viêng Chăn cùng du khách lại tụ tập về đây vui chơi thư giãn.
Tại Viêng Chăn, có rất nhiều chợ đường phố. Thức ăn của Lào rất đặc biệt và ngon, thủ công mỹ nghệ truyền thống như: dệt-lụa, đồ trang sức và giỏ xách phong phú. Ngoài ra có Công viên Phật lưu giữ bộ sưu tập bê tông ngoài trời của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo và Hindu, Hồ Nam Ngeun, làng văn hóa Vangxang...
Ở Viêng Chăn có nhiều ngôi chùa rất lớn và nổi tiếng như Wat Sisaket, Ong Teu, That Luang... Chùa Wat Sisaket lưu giữ đến 6.840 tượng Phật lớn nhỏ rất quý hiếm và là ngôi chùa có nhiều tượng Phật cổ nhất Lào. Tượng ở đây được làm chủ yếu bằng đồng, một số làm từ các vật liệu khác như gỗ quý, bạc hoặc mạ vàng. Đối diện với chùa Wat Sisaket là chùa Prakeo, nét độc đáo ở đây là pho tượng quý hiếm Phật Phra Bang (đúc tại Sri Lanka, bằng vàng) được vua Fa Ngum mang từ Angkor về Viêng Chăn trong thế kỷ 14.
Điểm nổi bật nhất là chùa Heavy Buddha được xây dựng từ thế kỷ thứ I, hiện là trường học của sư sãi, các nhà sư từ nhiều miền đất nước của Lào được truyền dạy kinh Phật dưới sự hướng dẫn của các sư trụ trì thâm niên.
Tháp That Luang (Thạt Luổng)- di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và hiện được coi là biểu tượng của nước Lào. That Luang được xây dựng năm 1566 trên nền phế tích của một ngôi đền Khmer thế kỷ XIII và theo truyền thuyết là có chứa một sợi tóc của Đức Phật được một nhà truyền giáo mang đến từ Ấn Độ. Sau đó, tháp Thạt Luổng bị tàn phá và đổ nát sau cuộc xâm lược của người Thái ở thế kỷ XIX. Năm 1930, tháp được khôi phục lại theo kiến trúc nguyên bản với độ cao 45m. Bức tượng ngay phía trước tháp là vua Setthathilath, người đã cho xây dựng tháp đầu tiên. Ngày xưa, bốn mặt vòng quanh That Luang được bao bọc bởi các ngôi chùa nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại chùa Luang Nua và Luang Tai. Hằng năm, ở đây, vào trung tuần tháng 11 diễn ra lễ hội cấp quốc gia là Lễ hội That Luang. Tháp That Luang được coi là rất linh thiêng nên có nhiều người đến đây cầu khấn các nguyện vọng.
Luông Pra Băng hay Luông Pha Băng, nghĩa là Phật Vàng Lớn. Luông Pha-băng  là Thủ đô của Vương triều Lan Xang thế kỷ thứ 14, thời kỳ hưng thịnh của Lào dưới triều Vua Xê-tha-thi-lát, nhưng từ năm 1545 chiến tranh xảy ra liên miên, Vua Xê-tha-thi-lát quyết định rời kinh đô đến Viêng Chăn. Trước năm 1975, nó vẫn là thủ đô hoàng gia, trung tâm của Vương quốc Lào. Ngày nay, nó là tỉnh lỵ của tỉnh Luông Pra Băng. Luông Pha Băng có 129 điểm du lịch, với nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, chùa và làng cổ kính với những kiến trúc và chạm trổ độc đáo, có cố cung hoàng gia, thác nước Tát Khoang-xi, được ca ngợi như "viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới". Luông Pha-băng đã được UNESCO công nhận là di tích lịch sử và văn hóa của thế giới năm 1995.
Cánh đồng chum - một di tích khảo cổ học nằm ở tỉnhXiêng Khoảng có khoảng 2.000 cái chum lớn nhỏ ở 52 địa điểm nằm rải rác tại chân dãy núi Trường Sơn.Kích thước của các chum đá dao động khoảng từ 0,5 đến 3m, trọng lượng lên đến 6000 kg và có niên đại khoảng 1500 đến 2000 năm.
Các câu chuyện huyền thoại của người Lào cho rằng có những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này. Theo một truyền thuyết khác, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù thành công. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ lên men và chứa số lượng lớn rượu gạo lao lao để ăn mừng chiến thắng. Cánh đồng chum  mang trong mình những bí ẩn của một nền văn hoá, một thế giới tâm linh mà cho đến bây giờ vẫn chưa rõ về xuất xứ…
 Đất nước, con người và nền văn hoá Lào quả là đang mang trong mình nguốn sức mạnh vô biên, ẩn chứa biết bao điều kỳ diệu, đó chính là tiềm năng và là nguồn nội lực to lớn. Tiềm năng và nguồn lực to lớn đó đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào trân trọng, giữ gìn, bồi đắp và phát huy trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.
CĐ 10: - Cần làm gì để gìn giữ, phát huy tình cảm hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Sau khi Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau
Những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới và những chuyển biến quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong những năm qua đã tạo nên những điều kiện vật chất to lớn thúc đẩy việc tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên tầm cao mới cần bổ sung và điều chỉnh cơ chế, chính sách, chương trình và tổ chức chỉ đạo hợp tác cho phù hợp với thực tế và những đòi hỏi mới của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực hiện nay và những năm tới, càng cần phải đẩy nhanh việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt các nội dung đã thỏa thuận bằng các văn bản hợp tác nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, đơn vị hợp tác thực hiện có hiệu quả những mục tiêu chiến lược hợp tác đã đặt ra.
Trong quá trình tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện, hai bên cần luôn luôn tôn trọng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của nhau.
Trong quan hệ hợp tác kinh tế sắp tới cần phải chú trọng tính thực chất, hiệu quả và chất lượng. Có nghĩa là, các chương trình hợp tác, nhất là từ phía Việt Nam (các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào) phải phù hợp với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Lào. Việt Nam cần ưu tiên các dự án hợp tác với Lào phù hợp với qui hoạch và kế hoạch phát triển của Lào đã được vạch ra tại các kế hoạch 5 năm 2006-2010 và tầm nhìn đến 2020 của Lào. Đó là các dự án hợp tác về phát triển thủy điện với Lào, dự án xây dựng đường giao thông ra biển; các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Việt Nam và Lào cần phải phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt trở thành động lực thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác toàn diện, đặc biệt là hợp tác kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển của mỗi nước, đưa hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới ngang tầm với quan hệ truyền thống đặc biệt giữa hai nước chúng ta.
Tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam khác căn bản với các quan hệ đối tác thông thường ở chỗ nó là quan hệ hợp tác toàn diện bao gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa... và ưu tiên, ưu đãi cho nhau cao hơn cả các quan hệ song phương khác. Cần có một nhận thức thống nhất của cán bộ và nhân dân hai nước về tính chất đặc biệt này. Cả hai bên cần có tầm nhìn rộng hơn, toàn diện và lâu dài hơn chứ không chỉ ở các lợi ích kinh tế thuần túy và ngắn hạn.
Để tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn mới, cần tập trung tiếp tục thực hiện những định hướng lớn đã được thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị tháng 1-2008 tại Viêng Chăn và tiếp tục thực hiện 6 chương trình mục tiêu đã được thỏa thuận tại Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ giai đoạn 2006-2010. Thực hiện thắng lợi chương trình hợp tác giai đoạn 2006-2010 sẽ tạo những tiền đề vật chất cần thiết cho việc xây dựng chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020.
Định hướng cơ bản của chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là: “Phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trở thành động lực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của mỗi nước”. Trong đó, không ngừng nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào - Việt Nam trong hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống giữa hai nước. Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo: coi trọng, phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và coi đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược to lớn, thiết thực phục vụ lợi ích đảm bảo ổn định an ninh chính trị và phát triển của mỗi nước. Coi hợp tác và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một thế hệ mới kế cận có đầy đủ năng lực và nhận thức một cách sâu sắc về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, tạo lòng tin vững chắc, lâu dài lẫn nhau, góp phần tăng cường bền vững mối quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước. Đặc biệt coi trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp của các địa phương Lào, cán bộ làm việc ở các dự án giữa hai nước; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và bồi dưỡng, giữa số lượng và chất lượng, giữa đào tạo chính qui các bậc học với đào tạo nghề.
Thường xuyên phối hợp và cụ thể hóa quan điểm về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên tinh thần các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao giữa lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước vào các nội dung hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo luật pháp của mỗi nước trên cơ sở những nội dung sau:
- Tiếp tục đầu tư và phát huy những tiềm năng, lợi thế của hai nước nhằm bổ sung nguồn lực cho nhau, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo từng giai đoạn, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Lào trong 10 năm tới, đưa nước Lào thoát khỏi nước kém phát triển vào năm 2020.
- Phấn đấu tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020. Quan tâm đặc biệt tới việc bảo đảm kết nối giao thông đường bộ trên các trục huyết mạch và các tuyến kết nối qua biên giới với các cảng biển của Việt Nam để phục vụ đầu tư, thương mại và hội nhập giữa hai nước trên nguyên tắc đầu tư đồng bộ và đồng thời giữa hai bên.
- Tăng cường và nâng cao vai trò hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, tổ chức, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới nhằm phát triển các địa phương khu vực biên giới trở thành hậu phương chiến lược vững chắc, ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác lâu dài, tạo sự gắn bó, tin tưởng lẫn nhau lâu dài.
- Hai bên phối hợp chặt chẽ việc rà soát, bổ sung sửa đổi các văn bản thỏa thuận, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với luật pháp và tình hình thực tế mỗi nước, thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và thông lệ quốc tế, tạo sự chuyển biến trong hợp tác kinh tế cũng như hội nhập quốc tế và khu vực của mỗi nước.
- Phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong các khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước.
Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí trước hết tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chiến lược giữa hai Đảng, hai nước; duy trì các cuộc gặp cấp cao truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả và thiết thực về mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.

CĐ 11: - Tại sao các thế lực thù địch xuyên tạc gây chia rẽ quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào Việt Nam
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, hiếm có trên thế giới, là tài sản vô giá, nhân tố quan trọng trong sự phát triển của hai nước Việt Nam và Lào, Chính vì vậy thế lực thù địch trong chiến lược Chống chủ nghĩa xã hội (CNXH), xuyên tạc sự thật về CNXH âm mưu lái cách mạng Việt Nam và Lào từ bỏ con đường đi theo chủ nghĩa xã hội chia rẽ đoàn kết của hai dân tộc vì những mưu đồ đen tối và thủ đoạn hoạt động chủ yếu sau:
Từ diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ để tạo ra quá trình “tự diễn biến”,“tự chuyển hoá” từ trong nội bộ chúng ta: Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân. Thủ đoạn đó diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vào mọi đối tượng trong đó tập trung trên một số lĩnh vực chủ yếu sau:
+- Chống phá về chính trị tư tưởng:
Trọng tâm là xoá bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng làm tiêu tan nền tảng tư tưởng trong các tổ chức Đảng, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Bằng cách ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, hạ thấp hòng vô hiệu hoá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, như việc chúng đòi xoá Điều 4 trong Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam…
Phá vỡ hệ thống nguyên tắc tổ chức trong hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, đoàn thể và của toàn xã hội), làm mất hiệu lực của nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguyên tắc tổ chức cao nhất của Đảng, Nhà nước ta.
Phá vỡ khối đại đoàn kết của toàn dân, của các tổ chức chính trị-xã hội. Bằng cách xuyên tạc, chia rẽ. làm cho nội bộ ta không tin nhau, nghi ngờ lẫn nhau, gây rối loạn nội bộ. Nhằm dễ cài cắm những quan điểm mơ hồ, những phần tử cơ hội, thậm chí phần tử phản động, thực hiện kế hoạch “kén làm tổ”, “chui sâu, leo cao” để ngầm phá ta từ bên trong lâu dài.
+- Hoạt động phá hoại kinh tế:
Hoạt động phá hoại kinh tế, với ý đồ làm cho Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, luôn ở trạng thái đói nghèo, buộc phải suy sụp hoặc phải khuất phục, chuyển hoá chế độ chính trị.
Mục tiêu chính phá hoại kinh tế là, lấy việc chống phá từ bên trong kết hợp với điều kiện bên ngoài để tạo ra áp lực đối với nền kinh tế nước ta, thông qua kinh tế để buộc ta chấp nhận các điều kiện chính trị.
Hiện nay chúng tập trung phá vỡ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa của ta bằng nhiều thủ đoạn rất xảo quyệt, như việc lợi dụng quan hệ hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết (nhất là qua các khâu: vốn, chuyên gia, kĩ thuật), tìm cách phủ định định hướng chủ nghĩa xã hội trong nền kinh tế nhiều thành phần, thực hiện: vừa khuyến khích, ca ngợi kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, vừa tư nhân hoá dần dần làm mất vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước. Chúng cho việc làm đó là để xoá tận gốc kiểu quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất ở Việt Nam.
- Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một trọng điểm trong chiến lược “DBHB” chống chủ nghĩa xã hội
Từ năm 1995 đến nay: trước những thắng lợi to lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch lại tiếp tục điều chỉnh thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Chúng tuyên bố xoá bỏ “cấm vận kinh tế”, bình thường hoá quan hệ ngoại giao để chuyển sang thủ đoạn mới, đẩy mạnh hoạt động xâm nhập như “dính líu”, “ngầm”, “sâu, hiểm” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam nói riêng  chia rẽ tình đoàn kết của hai nước Việt - Lào.
- Mục tiêu nhất quán của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trong sử dụng chiến lược “DBHB” đối với cách mạng Việt Nam là thực hiện âm mưu xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lái hai nước Việt – Lào theo con đường chủ nghĩa tư bản và lệ thuộc vào chúng…Để đạt được mục tiêu đó, các thế lực thù địch không từ bỏ bất kỳ thủ đoạn chống phá nào như sử dụng bạo lực phi vũ trang, bạo lực vũ trang, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội … Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta hiện nay là toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tinh vi, thâm độc và nhiều thủ đoạn tinh vi khó nhận biết cụ thể:
+ Về vấn đề dân tộc: Kẻ thù triệt để khai thác các mâu thuẫn giữa các dân tộc do nhiều nguyên nhân gây ra, để chia rẽ khối đoàn kết, tạo dựng những mâu thuẫn mới, kích động tư tưởng hẹp hòi dân tộc, đòi quyền tự quyết dân tộc chủ nghĩa, như việc xuyên tạc, kích động, mua chuộc, xúi dục một số dân tộc thiểu số đấu tranh Với Đảng, Nhà nước ta để đòi cái gọi là “độc lập quốc gia tự trị”.
Chúng tận dụng tối đa mọi cơ hội để kích động làm bùng nổ các cuộc đòi ‘dân chủ’, tôn trọng “quyền” của các dân tộc, nhằm gây rối loạn tình hình an ninh xã hội.
Đặc biệt chúng chú trọng yếu tố tâm lí và sự dồn nén khó khăn về đời sống tinh thần, vật chất (nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây) để tạo dựng xu hướng bất bình với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
+ Vấn đề tôn giáo: Chúng triệt để lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta, để truyền bá mê tín dị đoan và tư tưởng phản động chống chủ nghĩa xã hội.
Tích cực hoạt động, nhằm phối hợp lực lượng phản động trong nước với lực lượng tôn giáo chống Cộng quốc tế, đẩy mạnh hoạt động phá hoại để tạo ra thực lực trở thành lực lượng đối trọng với Nhà nước ta. Như việc lợi dụng những phần tử phản động đội lết tôn giáo để hoạt động gây kích động, phá hoại, xúi giục giáo dân đòi đất xây nhà thờ, chùa chiền… để tập hợp, lôi kéo tuyên truyền kích động nhân dân, từng bước vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đối với nhân dân vùng có đạo, tiến tới nhen nhóm, cài cắm lực lượng và xây dựng tổ chức phản động chống Đảng và chế độ ta.
Phương hướng hoạt động chủ yếu của chúng là đấu tranh ôn hoà đòi tự do tôn giáo, dẫn đến đấu tranh đòi tự do dân chủ, mở rộng quan hệ quốc tế, đến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cuối cùng kết hợp với sự chỉ đạo, giúp đỡ, viện trợ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động bên ngoài sẽ giành thắng lợi qua bầu cử.
+- Xâm nhập về văn hoá
Hoạt động tập trung nhất của chúng là, tiến công vào nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Bằng cách, làm phai mờ những giá trị văn hoá truyền thống cách mạng của chúng ta, kết hợp với việc gieo rắc Văn hoá phản động, suy đồi nhằm chuyển đổi văn hoá Việt Nam thành “thuộc địa văn hoá” của chủ nghĩa đế quốc. Như việc thông qua nhiều “kênh”, nhiều thủ đoạn, chúng ra sức tuyên truyền, cổ vũ cho văn hoá, lối sống phương Tây – thực dụng, trụy lạc, tôn thờ đồng tiền là trên hết, sống ích kỷ, phi đạo đức. Tất cả việc làm đó còn nhằm tạo ra và bổ sung cho đội quân xung kích diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ của chúng.
Thủ đoạn trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh:
Các thế lực thù địch lợi dụng xu thế mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện xâm nhập, tăng cường hoạt động tình báo thu thập bí mật quốc gia. Chúng kích động đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối với lực lượng vũ trang. Đối với quân đội và công an, các thế lực thù địch chủ trương vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng với luận điệu “phi chính trị hoá” làm cho các lực lượng này xa rời mục tiêu chiến đấu.
Vô hiệu hoá lực lượng vũ trang nhân dân, chủ yếu là quân đội nhân dân và công an nhân dân, đây là lực lượng tập trung nhất bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.
Hoạt động chủ yếu của chúng nhằm phá vỡ hệ tư tưởng, tổ chức của quân đội và công an. Làm cho lực lượng này xa rời mục tiêu chiến đấu, rêu rã tổ chức; xói mòn về đạo đức, phẩm chất, lối sống… để dẫn tới giảm lòng tin vào Đảng, vào chế độ, mất phương hướng và thay đổi bản chất cách mạng của mình.
Tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ bản chất truyền thống tốt đẹp của quân đội – công an, chia rẽ nội bộ, chia rẽ tình đoàn kết máu thịt quân đội và nhân dân, quân đội và Đảng…
Trong tình hình hiện nay, chúng đặc biệt chú ý đến trạng thái tâm lí để tuyên truyền, xuyên tạc vị trí, chức năng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân. Đặt lợi ích kinh tế đối lập với lợi ích quốc phòng. Đối lập giữa hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm phủ định vai trò của quốc phòng trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Toàn bộ những hoạt động của chúng nhằm phủ định sự lãnh đạo của Đảng ta đối với quân đội và công an “trung lập hoá quân đội và làm phai mờ biến đổi bản chất truyền thống cách mạng của quân đội – công an”, “phi chính trị hoá” quân đội – công an. Cuối cùng còn quân đội Việt Nam nhưng do chủ nghĩa đế quốc sai khiến.
- Kích động, phối hợp hành động của lực Iượng phản động trong nước và phản động ngoài nước. Kẻ thù rất coi trọng lực lượng phản động trong nước, nhằm tạo dựng lực lượng trực tiếp chống phá ta từ bên trong.
Chúng sử dụng các lực lượng trong nước để làm cầu nối giữa các tổ chức phản động trong nước và tổ chức phản động ngoài nước, vừa phối hợp hoạt động, vừa tập trung lực lượng. Chúng sử dụng các thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi trong hoạt động để giành những mục tiêu cụ thể. Trong đó khoét sâu vào các vấn đề kinh tế, dân chủ, nhân quyền, công bằng xã hội, phục hồi tư tưởng chống Cộng, gây chiến tranh tâm lí làm hoang mang dao động ở một số người, tạo nên tình hình xã hội luôn căng thẳng, nhằm gây bạo loạn lật đỗ từ nhỏ đến lớn: Như việc hoạt động của bọn phản động người Việt sống ở nước ngoài thời kì chúng gọi là “hậu bình thường hoá” quan hệ Việt – Mĩ, với hai trọng điểm chiến lược chống ta: “Giữ vững chiến tuyến chống Cộng tại hải ngoại – tấn công mãnh liệt vào Việt cộng tại quốc nội”, bằng những chính sách rất nham hiểm, xảo trá như: Chính sách “ngoại vận”, nhằm mở các đợt hoạt động tuyên truyền sâu, rộng lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do dân chủ, đàn áp tôn giáo.` Thực hiện chính sách đó,  chúng đi vào từng đối tượng để “vận động” và có những mục tiêu cụ thể. Đối với tín đồ, đòi tự do tôn giáo, hành đạo, huỷ bỏ “hệ thống tôn giáo quốc doanh”. Đối với dân, đòi dân chủ, dân sinh. Đối với văn nghệ sĩ, trí thức, đòi tự do ngôn luận, hội họp. Chúng đem cách sử dụng mọi phương tiện truyền thông nhằm “đánh vào trái tim khối óc cộng sản, huy động tận tâm thức sâu thẳm của đồng bào trong nước”, hoặc chính sách “tổ chức, liên kết trong ngoài” để liên kết các hội đoàn phản động ngoài nước, bí mật thành lập tổ chức phản động trong nước và liên kết hai lực lượng đó lại…
Thủ đoạn trên lĩnh vực đối ngoại: Các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới để tuyên truyền và hướng Việt Nam theo quĩ đạo của chủ nghĩa tư bản. Hạn chế sự mở rộng quan hệ hợp tác của Việt Nam đối với các nước trên thế giới, tìm cách ngăn cản những dự án đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Đặc biệt chúng rất coi trọng việc chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa, hạ thấp uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
*- Những biện pháp chủ yếu góp phần làm thất bại chiến lược “ Diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa
1- Luôn nắm vững mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ:
a) Mục tiêu
- Giữ vững ổn định chính trị trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
- Ngăn chặn và làm thất bại các thủ đoạn diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ của các thế lưc thù địch.
- Nếu có bạo loạn phải dập tắt nhanh, không để lan rộng, kéo dài để kẻ thù tạo cớ can thiệp vũ trang…
b) Nhiệm vụ
- Chủ động tiến công địch trên mọi lĩnh vực.
- Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ trên cơ sở đó ngăn chặn, đẩy lùi, đập tan mọi ý đồ. răn đe, can thiệp vũ trang hoặc gây chiến tranh xâm lược.
- Bảo vệ tốt chính trị nội bộ.
c) Quan điểm chỉ đạo
- Xác định chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay cả trước mắt và lâu dài..
- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và ứng phó với các tình huống.
- Chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đỗ là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, sự quản lí điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước.
d) Phương châm
- Kết hợp chặt chẽ giữ bên trong và chủ động ngăn ngừa. Giữ bên trong là giữ vững sự ổn định chính trị, mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã chọn, giữ vững khối đoàn kết dân tộc; giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Ngăn ngừa mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù; ngăn ngừa mọi sự yếu kém, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp lãnh đạo, điều hành nhà nước.
- Giữ vững bên trong và chủ động ngăn ngừa là hai mặt quan hệ chặt chẽ với nhau, giữ vững bên trong là điều kiện cơ bản để chủ động – ngăn ngừa. Chủ động ngăn ngừa là phản ánh kết quả của giữ vững bên trong và tạo điều kiện để giữ vững bên trong.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh toàn diện gắn với xây dựng thực lực cách mạng, kết hợp xây và chống, lấy xây là cơ sở quyết định để chống.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của cả hệ thống chính trị. Đấu tranh toàn diện, chính trị, kinh tế, quân sự… kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh đó, lấy đấu tranh chính trị làm chính. Đấu tranh chính trị chính là cuộc đấu tranh giành giật quần chúng, giành giật niềm tin giữa ta và địch. Phát huy sức mạnh tổng hợp là để đấu tranh toàn diện, đấu tranh toàn diện nhằm khai thác, phát huy được đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng của từng yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
- Chủ động trấn áp, giải quyết hậu quả với các hành vi bạo loạn. Giải quyết gây rối không để phát triển thành bạo loạn.
Phương châm này chỉ đạo việc xử lí tình huống có bạo loạn lật đỗ và vận dụng vào xử lí vụ việc gây rối. Cần chú ý:
+ Phải xử lí kiên quyết, chủ động trấn áp đúng lúc, đúng thời cơ, đúng đối tượng, trúng những tên đầu sỏ.
+ Thời gian càng nhanh càng tốt, không gian càng hẹp càng tốt.
2. Tăng cường xây dựng và củng cố trận địa chính trị tư tưởng, văn hoá, giữ vững ổn định chính trị và an ninh xã hội:
Đấu tranh chống địch phá hoại về tư tưởng, văn hoá giữ ổn định chính trị là mặt trận nóng bỏng đặt lên hàng đầu hiện nay, phải được kết hợp chặt chẽ với các lĩnh vực khác. Nội dung của cuộc đấu tranh, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản:
+ Không ngừng bồi dưỡng trí tuệ, lập trường quan điểm và phẩm chất đạo đức cho mọi người. Giữ vững niềm tin, kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đưa sự nghiệp đổi mới của đất nước đến thắng lợi.
+ Nghiên cứu nắm vững, hiểu biết đủ, đúng về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở đó quán triệt sâu sắc và góp phần tổ chức thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực tiễn.
+ Xây dựng lối sống văn hoá, văn minh lành mạnh trật tự kỷ cương phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Bồi dưỡng lối sống mới xã hội chủ nghĩa, kết hợp với phê phán lối sống thực dụng, tự do, ích kỷ, buông thả. Kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc và lợi dụng các khía cạnh đời sống xã hội của kẻ thù, kết hợp với việc lên án, ngăn ngừa các tổ chức và hành vi hoạt động văn hoá với mục đích xấu. Luôn giữ vững trạng thái tâm lí tinh thần, ổn định tư tưởng của xã hội.
3. Nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu luận điệu xuyên tạc của địch trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động khác:
Hiện nay thông tin đến với con người và các hoạt động khác bằng nhiều nguồn, nhiều phương tiện. Thông tin trở thành nhu cầu của đời sống xã hội, hằng ngày chúng ta tiếp xúc với nguồn thông tin chính thống có định hướng của Đảng, Nhà nước ta. Đồng thời chúng ta cũng chịu ảnh hưởng các nguồn thông tin khác của địch nhằm chống ta, trong đó có đài Châu A tự do. Chống lại các nguồn thông tin của địch, cần tập trung làm tt một số việc:
- Luôn nâng cao kiến thức về mọi mặt để giữ vững bản lĩnh chính trị, có phương pháp xem xét tiếp cận thông tin một cách đúng đắn khoa học.
- Nâng cao cảnh giác, đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin ngược chiều với quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
- Bản thân mỗi người có ý thức tự giác, kỹ luật trong quá trình tiếp  xúc thông tin. Chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm  vi thông tin, tham gia tích cực đấu tranh chống phao tin, đồn nhảm, lưu truyền thông tin xấu, thất thiệt.
*- Trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình khu vực, thế giới và yêu cầu đẩy mạnh phát triển mọi mặt ngày càng cấp thiết trong nội tại hai nước, Việt Nam đặt ưu tiên cao nhất, cùng với các bạn Lào anh em, phấn đấu nâng quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, hiệu quả, bền vững, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế vững chắc, hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước trong tình hình mới. Theo đó, chúng ta cần tập trung làm tốt các việc sau:
            Một là, duy trì bền vững mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào; phát triển sâu sắc và toàn diện quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có ở cấp lãnh đạo của hai Đảng, hai nước; Đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt thấm sâu xuống các cấp địa phương, cơ sở, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân và thanh niên giữa hai nước.
            Hai là, đẩy mạnh hiệu quả hợp tác kinh tế song phương tương xứng với quan hệ chính trị, phát triển hợp tác giữa các vùng, miền hai nước, và hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi mà hai nước dành cho nhau, phù hợp với luật pháp của mỗi nước và thông lệ quốc tế. Cần chủ động thúc đẩy hợp tác ở cả ba cấp: Chính phủ với Chính phủ, địa phương với địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế.
             Ba là, tăng cường phối hợp, trao đổi kinh nghiệm và thông tin nhằm chống lại âm mưu chống phá “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chia rẽ quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác mọi mặt giữa các tỉnh có chung biên giới.
             Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục, thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo của hai nước.
            Năm là, tích cực trao đổi thông tin về tình hình quốc tế, phối hợp họat động tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, tăng cường hợp tác trong các chương trình tiểu vùng như Hành lang Đông-Tây, hợp tác tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng…
            Ngày nay. Mỗi người dân Việt Nam đều vui mừng chứng kiến các thành tựu, những đổi thay nhanh chóng đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên đất nước Triệu Voi tươi đẹp và chân thành mong muốn nhân dân các bộ tộc Lào anh em, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào sẽ xây dựng thành công một nước Lào phồn vinh và vững mạnh, có quan hệ đối ngoại rộng mở, có vai trò và vị thế không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

            CĐ 12 - Tại sao hai dân tộc Việt Nam-Lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc, đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
Hai nước Việt Nam - Lào có lịch sử gắn bó rất lâu đời với nhau trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ấy, nhân dân hai nước đã “chung lưng đấu cật” để xây dựng mỗi nước phát triển. Là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam và Lào đã chung tay viết nên những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời Việt Nam - Lào bắt nguồn từ tình cảm láng giềng thân thiết, sự gắn bó keo sơn giữa dân tộc Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào đã trải qua muôn vàn thử thách, được nhiều thế hệ lãnh đạo hai Đảng và nhân dân hai nước, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính mến trực tiếp gây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai nước, cùng nhân dân hai nước quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp, không ngừng phát triển và trở thành mối quan hệ đặc biệt, thủy chung, trong sáng và là mẫu mực hiếm có trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Hai dân tộc Việt và Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau... Tình nghĩa láng giềng anh em Việt - Lào thật là thắm thiết không bao giờ phai nhạt được”. Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cũng nói: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Tư tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo đã trở thành kim chỉ nam soi đường, chỉ lối, được Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước thực hiện nhất quán trong suốt những năm tháng chiến đấu chống kẻ thù chung, giành độc lập, thống nhất đất nước đến hòa bình, xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Đặc biệt, trong nhiều giai đoạn lịch sử, hai dân tộc Việt Nam - Lào đều có chung một kẻ thù xâm lược. Vị trí địa lý và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của mỗi dân tộc đã gắn kết hai nước trở nên gần gũi, thân thiện. Theo đó, quá trình chiến đấu của mỗi nước phải dựa vào nhau để chống kẻ thù chung, bảo vệ dân tộc, bảo vệ đất nước. Vì vậy, quân và dân hai nước Việt Nam- Lào luôn sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung vì độc lập của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân và mỗi dân tộc.
Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố của lịch sử, hai nước Việt Nam - Lào cùng tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ, sát cánh bên nhau, xây đắp quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào cao đẹp, mẫu mực, thủy chung, hiếm có trong lịch sử quan hệ quốc tế. Truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết vĩ đại và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính yêu đã sáng lập, gìn giữ và được kế tục, phát triển bởi các thế hệ lãnh đạo, các chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai nước Lào - Việt Nam. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, hai nước đã cùng nhau lập những chiến công hiển hách, giành độc lập dân tộc cho cả hai dân tộc; Mọi thắng lợi của Cách mạng Lào đều gắn chặt với sự giúp đỡ, ủng hộ mạnh mẽ, hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam anh em với tinh thần đồng chí chung một chiến hào, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” cùng đồng cam cộng khổ, từng bước đi tới thắng lợi cuối cùng, chiến thắng đế quốc xâm lược và phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, mối quan hệ đó trở thành di sản quý giá, thành quy luật tồn tại và phát triển của hai nước và cũng là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, đặc biệt và hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Sau ngày Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời vào năm 1975, quan hệ Việt - Lào đã chuyển sang giai đoạn mới. Đó là mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Nhà nước theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977. Hiệp ước đã tạo khung pháp lý thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện. Hàng loạt các văn bản, hiệp định hợp tác được ký kết, tạo ra những bước chuyển to lớn về chất trong quan hệ đặc biệt giữa hai Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa,... Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Chính phủ đã tạo ra mối liên kết gắn bó hữu cơ, bổ trợ lẫn nhau và tạo môi trường thuận lợi đối với sự nghiệp phát triển của cả Việt Nam và Lào.
Bước vào thời kỳ đổi mới với muôn vàn khó khăn, Chính phủ hai nước phải đổi mới cả về nội dung, phương thức và cơ chế hợp tác để giữ vững và phát huy hiệu quả quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, đặc biệt Việt Nam - Lào.
Chiến lược hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong thời gian tới (2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2020) được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh quốc tế, khu vực và ở từng nước có những thuận lợi và khó khăn đan xen cùng những chuyển biến rất mau lẹ, tác động trực tiếp đến quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn, nhiều cơ hội đang mở ra cho quan hệ hợp tác giữa hai nước, đồng thời cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Các nước lớn và các nước phát triển tăng cường hợp tác với ASEAN và các tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng sâu sắc.
Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là đang là xu thế phổ biến hiện nay và trụ lực chính của tiến trình này là tự do hoá thương mại. Khu vực Đông Nam Á nói chung và tiểu vùng Mê Công nói riêng đang gia tăng mạnh mẽ các lộ trình họi nhập trên nhiều cấp độ. Với vị trí quan trọng của khu vực Châu Á- Thái Bình dương,, các nước lớn và phát triển ngày càng quan tâm và tăng cường mở rộng quan hệ, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư vào khu vực này, góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước GMS, trong đó có Việt Nam và Lào.
Tuy nhiên đây cũng sẽ là tâm điểm của sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các nước lớn và các nền kinh tế phát triển, tác động tiêu cực đến ASEAN và GMS, trong đó có Việt Nam và Lào. Mặt khác, vượt ra ngoài những nội dung hội nhập kinh tế, các vấn đề về chính trị và an ninh nãy sinh trong sự tương tácvề quan hệ lợi ích chiến lược giữa các nước lớn với nhau và những tham vọng và các nước này đối với khu vực, rất có thể đẩy các nước trong khu vực tới những bất ổn khó lường.
Mặt khác, hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng(GMS) diễn ra mạnh mẽ và ngày càng có hiệu quả. Công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam và Lào với tốc độ phát triển ngày càng nhanh và bền vững, cùng những kết quả hợp tác đạt được giữa Việt Nam và Lào đòi hỏi phải tăng cường toàn diện trong giai đoạn mới. Vì vậy, trong thời gian tới Việt Nam và Lào phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đổi mới quan hệ hợp tác toàn diện phù hợp với bối cảnh mới.
Việt Nam và Lào sống bên nhau tại hai triền Đông và Tây Trường Sơn hùng vĩ, rất thuận lợi cho sự phát triển phong phú của động vật, thực vật lại được bổ sung bởi nhiều hang động, rừng nguyên sinh kỳ thú, thuận lợi cho du lịch. Nơi đây có nhiều sông suối chảy dốc từ núi cao đổ xuống, tạo lợi thế cho khai thác thủy điện.
Trường sơn còn là một tường thành vững chắc cho quân dân hai nước nương tựa nhau chống giặc ngoại xâm.
Về kinh tế, hai nước có thể bổ sung cho nhau thế lợi về biển cả của Việt Nam, đường bộ của Lào đi sâu vào lục địa châu Á, cùng các nguồn tài nguyên phong phú do mỗi nước quản lý.
Ngoài những điều kiện trên, hai nước Việt Nam, Lào có một ưu thế nổi trội vô cùng quý giá là quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà hai Đảng, hai dân tộc cần luôn luôn vun đắp, bảo vệ và phát huy trong mọi hoạt động chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng an ninh, ngoại giao, văn hoá, giáo dục đào tạo nhân lực, nhân tài.
Tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trong thời kỳ mới. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, hai bên luôn khẳng định quan điểm nhất quán, tiếp tục coi trọng và dành mọi ưu tiên cho việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, coi đây là tài sản vô giá cần gìn giữ và truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau, đòi hỏi hai nước Việt Nam- lào phải yêu thương gắn bó chặt chẽ với nhau, giữ cho quan hệ đặc biệt Việt –Lào muôn đời bền vững./.





1 nhận xét: